Infrastructure
Đánh giá Helium trong Kỷ nguyên Mạng 5G
#
Marketing
19 min read
24/02/2023
9
0
0

Đánh giá Helium trong Kỷ nguyên Mạng 5G

icon-menu

Những điểm chính cần quan tâm

  1. Helium đã khởi động thành công mạng lưới IoT (Internet of things) toàn cầu với hơn 470K node, mặc dù có mức sử dụng khá thấp nhưng trễ mạng có thể xảy ra nếu việc áp dụng yêu cầu một mạng lưới được triển khai hoàn toàn với đầy đủ vùng phủ sóng và dung lượng.
  2. Mô hình 5G của Helium có tiềm năng gây ra sự gián đoạn cho các công ty mạng không dây truyền thống và cáp vì nó đảo ngược toàn bộ mô hình sử dụng phổ tần số (spectrum) miễn phí (các nhà mạng đã chi $150 tỷ trong mười năm qua), không yêu cầu chi phí đầu tư (người dùng mua node thay vì các tháp phát sóng không dây đắt tiền).
    • Quan trọng là các node có thể nằm bên trong nhà hoặc văn phòng - nơi mà các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây truyền thống khó có thể truy cập và phổ tần số 5G khó có thể truyền từ bên ngoài vào trong.
  3. Tầm nhìn tổng thể của 5G lớn về quy mô toàn cầu và về giá trị tính theo dollar (cơ hội $150 tỷ trong 5 năm) và kéo theo đó là những thách thức đáng kể. Helium sẽ phải đối mặt với những thách thức tiềm ẩn khác nhau, từ việc các nhà cung cấp internet chặn quyền truy cập các node Helium 5G, cho đến băng tần của Citizens Broadband Radio Service - CBRS từ những người dùng ưu tiên và sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp cáp khi họ có thể tìm cách bổ sung hỗ trợ CBRS vào trong mô hình WiFi tại nhà.

Đánh giá Helium: Cơ hội và thách thức khi gia nhập thị trường 5G

Một vài năm trước, Helium đã tạo ra thành công vang dội. Ý tưởng về một startup mạng không dây có khả năng khởi động một mạng lưới IoT toàn cầu mà không cần chi bất kỳ khoản tiền nào cho chi phí vốn thực sự là một cuộc cách mạng.

Ý tưởng đằng sau không quá khó hiểu: người dùng được khuyến khích mua một node ($450) và sẽ có được token HNT đổi lấy việc bootstrapping  phía cung của mạng lưới bằng cách cung cấp vùng phủ sóng IoT.

Token cũng trở nên phổ biến, khi HNT tăng giá, nó chuyển đổi thành nhiều data credit hơn cho việc sử dụng mạng (mỗi DC có giá $0,00001). Nắm giữ HNT đã trở thành một yêu cầu cần có về việc sử dụng dữ liệu trong tương lai cho dù đó là mạng IoT hay các tiêu chuẩn mạng không dây mới trong tương lai như 5G.

Ngày nay Helium có hơn 470.000 node trên khắp thế giới cung cấp vùng phủ sóng IoT nhưng theo quan điểm của chúng tôi, câu chuyện thực sự nằm ở 5G và việc giải quyết những thách thức tiềm ẩn mà Helium phải đối mặt để trở thành một phần bổ sung cho các nhà mạng không dây trong con đường tiến tới 5G chứ không phải là thứ thay thế cho chúng.

Helium có hơn 470.000 node trên khắp thế giới Helium có hơn 470.000 node trên khắp thế giới

Helium đã khởi động thành công mạng IoT của mình và giờ đây, các công ty có thể thực sự sử dụng mạng nếu phạm vi bao phủ là đủ rộng; bạn sẽ không muốn tín hiệu bị mất khi đang theo dõi một chiếc xe chở đầy tiền hay những hàng hóa có giá trị cao. Mặc dù phía cung cấp của mạng IoT đã được khởi động thành công nhưng việc sử dụng rất hạn chế tại thời điểm này. Chúng tôi sẽ bàn luận thêm về điều này ở bên dưới.

Câu chuyện về 5G

Logo 5G ở góc trên bên phải điện thoại của bạn là một mánh lới quảng cáo tiếp thị hiện tại. Nếu bạn muốn xem logo trên đầu điện thoại của mình có ý nghĩa gì, hãy xem liệu điện thoại của bạn có thể tải xuống 1-10Gbps hay không. 5G hứa hẹn sẽ cho phép tốc độ tải xuống 1-10 Gbps với độ trễ dưới 1 m/s. 4G cung cấp tốc độ tải xuống hậu phát hành là  khoảng 30-100 Mbps với độ trễ từ 50-200 m/s tùy thuộc vào nguồn và trạng thái của bạn.

Mạng không dây là một quy trình cực kỳ phức tạp. Dưới đây là một ví dụ rất đơn giản cho thấy sự tương tác giữa người dùng cuối (end-user) ở phía bên phải kết nối không dây thông qua một tháp macro (cách xa hàng dặm đối với phổ tần số 4G) hoặc một small cell (trạm phát sóng di động thu nhỏ) (trên các cột đèn và tòa nhà đối với phổ số 5G).

Dữ liệu truyền từ điện thoại của bạn qua không khí đến một tháp hoặc một small cell, sau đó qua các đường cáp quang đến trung tâm dữ liệu nơi nó kết nối với mạng internet rộng hơn. Quy trình diễn ra ngược lại khi bạn sử dụng mạng để tải xuống.

Vấn đề với 5G là các băng thông phổ tần số cao hơn thường được sử dụng cho 5G (24, 30, 37, 40, 52 GHz, v.v.) chỉ truyền trong khoảng cách giới hạn. Trong khi đó, một macrocell sử dụng phổ tần số 600-700MHz có thể cung cấp phạm vi phủ sóng với bán kính lên đến 25 dặm.

Các băng thông tần số cao hơn sử dụng trong 5G có thể chỉ truyền vài trăm feet đến thiết bị nhận khi xung quanh không có vật cản. Sự truyền 5G bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cửa kính, các tán lá và thời tiết. Các băng thông cao hơn này có thể hỗ trợ truyền lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với phổ tần cấp thấp hơn được sử dụng cho 4G trên các tháp mạng không dây, nhưng nó rất mỏng manh và không đi được xa.

Nếu 5G chỉ di chuyển trong khoảng cách ngắn và không thể truyền vào trong nhà thì các nhà mạng không dây sẽ cung cấp 5G cho người tiêu dùng như thế nào, đặc biệt khi phần lớn (80%) việc sử dụng dữ liệu sử dụng diễn ra ở trong nhà? Câu trả lời là một nhà cung cấp có thể vận chuyển các hộp 5G cho người tiêu dùng, để cung cấp phổ tần số này ngay trong nhà hoặc văn phòng thay vì cố gắng thâm nhập từ bên ngoài.

Mô hình 5G được đề xuất của Helium tương đối đơn giản; người dùng mua một node 5G và cắm nó vào cổng truy cập mạng không dây đã có sẵn trong nhà của mình. Giờ đây, tất cả mọi người trong nhà và ở một phạm vi nhất định bên ngoài nhà ở đều có thể truy cập 5G. Người dùng đặt node gần cửa sổ để truyền mạng cả trong và ngoài nhà.

Helium hoàn toàn đảo ngược cấu trúc chi phí của các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây truyền thống. Thay vì chi hơn $150 tỷ cho phổ tần số độc quyền thì Helium lại đang sử dụng một đường phổ tần số miễn phí được gọi là băng thông Citizens Broadband Radio Service (CBRS) cho tham vọng 5G của mình.

CBRS có ba mức độ ưu tiên. Mức độ ưu tiên đầu tiên dành cho các dịch vụ thiết yếu của chính phủ, sau đó dành cho những người có mua giấy phép truy cập ưu tiên (priority access license - PAL), và cấp cuối cùng dành cho tất cả mọi người. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống đã chi $4,5 tỷ cho các giấy phép truy cập ưu tiên này.

Mặc dù đây có thể là một vấn đề tiềm ẩn đối với việc sử dụng phổ tần số CBRS của Helium, nhưng bất kỳ tác động nào cũng sẽ bị hạn chế vì các PAL chỉ có thể sử dụng 70 MHz trong khối 150 MHz do các hạn chế tại chỗ. 80MHz còn lại được mở vĩnh viễn cho công chúng, tương tự như WiFi. Tuy nhiên, phổ tần số này phải được chia sẻ với các thiết bị khác trong khu vực và điều này có thể làm cho hiệu suất mạng biến thiên nhiều hơn.

Giấy phép ưu tiên có thể ảnh hưởng một chút đến mô hình của Helium và chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này ở phần sau; nhưng điểm mấu chốt là Helium không phải chi một khoản nào cho phổ tần. Dưới đây là một cái nhìn đơn giản về băng tần CBRS, cụ thể là Chính phủ Hoa Kỳ và sau đó là người dùng PAL nhận được quyền ưu tiên.

Một ví dụ để chứng minh giá trị của phổ tần số này là hai năm trước, FCC đã đấu giá phổ tần số 3,7 GHz ở trên và ngay sau đó là phổ tần số CBRS với giá $81 tỷ.

Mặc dù phổ tần CBRS là miễn phí nhưng nó: bị giới hạn, bất kỳ công ty nào cũng có thể sử dụng và người dùng phải chấp nhận mình là công dân hạng hai sau các PAL. Một cách thông minh để Helium tăng cường phổ tần số mà mình có thể sử dụng là hợp tác với những công ty có lượng phổ tần số lớn và có động cơ sử dụng chúng, tức là Dish Network - công ty mà ông bà của bạn sử dụng để xem T.V.

Dish Network có phổ tần số đáng kể, bao gồm phổ tần số mmWave cho 5G. Công ty có dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (Boost Mobile) nhưng khó để sử dụng phổ tần số 5G của mình một cách mạnh mẽ hơn. Nếu công ty không thương mại hóa việc nắm giữ phổ tần của mình thì họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới $2,2 tỷ.

Hai tháng trước, Dish và Helium đã hợp tác với nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một sự kết hợp mạnh mẽ vì Dish cần thương mại hóa việc nắm giữ phổ tần số của mình và Helium có thể tận dụng phổ tần số này trong các node và ăng-ten để cho phép phạm vi phủ sóng và dung lượng nhiều hơn cho dịch vụ cung cấp 5G của mình.

Chúng tôi lưu ý rằng Dish cũng đã hợp tác với Amazon và có kế hoạch xây dựng mạng 5G của mình trên AWS, và Amazon đã báo hiệu ý định tham gia vào ngành công nghiệp mạng không dây với sự ra mắt gần đây của mạng 5G riêng tư. Do đó, Dish có thể sẽ ưu tiên Amazon hơn Helium trong thời gian tới nếu Amazon muốn triển khai mạnh mẽ mạng 5G.

Helium có tiềm năng khởi động một mạng 5G toàn cầu giống như cách họ đã làm với IoT; dùng token để đổi lấy việc cung cấp độ bao phủ mà người dùng và các ứng dụng cuối có thể sử dụng. Đây sẽ là một kỳ tích không nhỏ vì thị trường mạng không dây toàn cầu được dự đoán sẽ phát triển đến mức $150 tỷ trong 5 năm.

Những thách thức trên con đường trở thành nhà cung cấp mạng không dây toàn cầu

Helium có khả năng trực tiếp  phá vỡ toàn bộ ngành công nghiệp mạng không dây toàn cầu - thứ mà tất cả chúng ta tương tác hàng ngày và sẽ được định giá $150 tỷ trong 5 năm. Không giống như IoT, ở đây người dùng có nhu cầu trực tiếp về kết nối cấp độ 5G (chơi game, điện thoại, máy tính), do đó, việc khởi động theo nhu cầu của mạng lưới có thể xảy ra nhanh hơn so với mạng lưới IoT của Helium.

Các cơ hội này cũng đi kèm với rủi ro. Vì chúng ta đã đề cập đến cơ hội ở trên nên sau đây, chúng tôi trình bày chi tiết những thách thức tiềm ẩn lớn nhất đối với thành công của Helium, mục đích không phải để làm cản trở bất kỳ nỗ lực nào mà là thúc đẩy suy nghĩ thực tế về cách giải quyết những vấn đề này.

Danh sách dưới đây không hoàn toàn đầy đủ nhưng nó nhằm mục đích cung cấp thông tin và các xếp hạng dựa trên phân tích nội bộ của chúng tôi về tác động của mỗi thách thức đối với dự án.

Các vấn đề lớn nhất mà chúng tôi dự đoán là có khả năng các nhà cung cấp băng thông rộng khu dân cư sẽ chặn quyền truy cập vào các node Helium, những người dùng có quyền ưu tiên sử dụng sẽ chiếm hết băng tần CBRS và sự cạnh tranh tiềm ẩn từ các công ty truyền hình cáp.

Ba vấn đề được thảo luận hàng đầu

Sự cạnh tranh từ các nhà vận hành cáp và đường dây (Lý thuyết trò chơi)

Luận điểm cuối cùng đáng được thảo luận kỹ hơn hơn. Tại Hoa Kỳ, các công ty truyền hình cáp (Comcast, Charter, Altice, Frontier) đang trong cuộc chiến với các công ty mạng không dây (AT&T, Verizon và T-Mobile).

Lý do rất rõ ràng: mọi người đang loại bỏ dịch vụ cáp 3 trong 1 (triple plays - bao gồm: internet cáp có dây, điện thoại bàn và nội dung truyền hình cáp) chậm chạp để chuyển sang các dịch vụ không dây, không bao gồm điện thoại bàn và đang tải nội dung muốn xem từ Netflix và Amazon Prime so với dịch vụ cung cấp cáp .

Trong lịch sử, các công ty truyền hình cáp đã nỗ lực cạnh tranh và giữ mối quan hệ với khách hàng, tung ra các kế hoạch mạng không dây bằng cách sử dụng và trả tiền cho các công ty mạng không dây. Thỏa thuận của Comcast và Charter với Verizon là một trong những ví dụ như vậy. Xfinity Mobile có thể cũng giống như vậy: nó hoạt động nhờ mạng của Verizon.

Để cạnh tranh lại, chúng tôi hình dung có hai kịch bản tiềm năng: hoặc các công ty cáp chấp nhận Helium, đối tác và thêm hỗ trợ cho blockchain cũng như ăng-ten vào hàng triệu hộp WiFi mà họ đã lắp đặt tại các ngôi nhà ở Hoa Kỳ (hãy nhớ rằng việc truyền 5G từ bên trong là mục tiêu), hoặc thêm ăng-ten CBRS vào các hộp WiFi mà họ đã có và cạnh tranh trực tiếp với Helium.

Đầu tiên, chúng tôi cho rằng các công ty cáp có ít khả năng hợp tác với Helium vì nếu làm vậy, họ sẽ cung cấp mạng 5G mà các công ty mạng không dây có thể sử dụng để chuyển vùng - điều này sẽ tác động tiêu cực đến tham vọng mạng không dây của các công ty cáp.

Mặc dù điều này nghe có vẻ thô lỗ nhưng hãy lưu ý rằng Helium không cần quan hệ đối tác với các công ty truyền hình cáp hoặc không dây, đây chỉ là một làn gió tiềm năng cho họ. Helium có thể tiếp tục trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng và cung cấp mạng 5G theo kế hoạch.

Thứ hai, nếu các công ty cáp khởi chạy mạng 5G của riêng mình bằng cách thêm ăng-ten CBRS vào Hộp WiFi trong nhà thì điều này sẽ phủ định hoàn toàn nhu cầu hợp tác với Helium và tương lai các công ty cáp có thể thêm 5G từ trong nhà. Mặt khác, điều này có thể thúc đẩy các công ty mạng không dây hợp tác với Helium để cung cấp 5G trong nhà vì đó là lĩnh vực mà họ đang thiếu ngay bây giờ.

Cuối cùng, các nhà mạng chuyển vùng trên mạng của nhau mỗi ngày. Nếu bạn đang sử dụng Verizon ở NY và đi du lịch đến Maine, bạn đang sử dụng một mạng khác mà thậm chí không nhận ra. Nếu Helium có đủ mật độ node 5G, các nhà mạng có thể chuyển vùng trên mạng của mình, điều này sẽ thúc đẩy việc sử dụng data credit và luồng giá trị cho HNT.

Lý thuyết trò chơi là các nhà mạng có động cơ hợp tác vì họ có thể cung cấp cho người tiêu dùng tốc độ 5G siêu nhanh tại nhà và thậm chí người dùng sẽ không biết mình đang sử dụng mạng của Helium.

Người dùng ưu tiên sử dụng hầu hết phổ tần số CBRS

Mặc dù đã được đề cập trước đó trong bài đăng này, nhưng ý tưởng rằng người dùng PAL được ưu tiên hơn trên băng tần CBRS là một điều đáng  quan tâm vì Helium đang sử dụng phổ tần số miễn phí cho tham vọng 5G của mình. Chúng tôi lưu ý rằng chỉ khoảng một nửa được dành cho người dùng ưu tiên và nếu các đơn vị phổ tần của PAL không được sử dụng thì Helium có thể sử dụng chúng.

Chúng tôi hình dung Helium tận dụng phổ tần số của những bên khác (hợp tác với Dish hoặc những công ty khác) để tăng cường khả năng cung cấp của mình. Một tương lai nơi mà Helium DAO mua phổ tần số là việc sẽ xảy ra, nhưng điều này sẽ tốn kém và chúng ta không chắc chắn về các cuộc đấu giá phổ tần số trong tương lai.

ISP tắt quyền truy cập

Mỗi node Helium thường được kết nối với kết nối internet có dây dân dụng. Nếu các nhà cung cấp chặn quyền truy cập các node Helium, điều này có thể làm tê liệt mạng. Tính trung lập Internet (Net Neutrality) hay ý tưởng rằng các nhà cung cấp không thể kiểm duyệt mạng lưới đã thất bại ở Hoa Kỳ, nghĩa là các nhà cung cấp vẫn có khả năng kiểm duyệt các hộp Wifi.

Chúng tôi tin rằng nếu điều này xảy ra thì sự phản đối kịch liệt của công chúng có thể sẽ vượt quá khả năng giải quyết của các nhà cung cấp. Đây là rủi ro lớn nhất đối với mạng Helium theo quan điểm của chúng tôi.

Token Economics

Token economics của Helium khá thú vị. Dưới đây, chúng tôi trình bày chi tiết những nguyên lý cốt lõi của token HNT:

  • Mỗi HNT có thể chuyển đổi thành data credit để sử dụng cho băng thông. Mỗi data credit có giá $0,00001 và bao gồm 24 byte dữ liệu. Khi HNT tăng (giảm), nó có thể chuyển đổi thành nhiều (ít) data credit hơn.
  • HIP-20 giới hạn nguồn cung HNT chưa được giới hạn trước đó ở mức 223 triệu, với việc giảm một nửa phát hành HNT sau mỗi 2 năm.
  • Trước đây, Helium đã phát hành ở dạng: 29% cho Proof of Coverage (đặt một node) và 30% cho các node dựa vào việc truyền dữ liệu (sử dụng mạng). Token cho Proof of Coverage giảm 2,5% mỗi năm do sự gia tăng của việc truyền dữ liệu.

Việc HIP-37 hiện đang được thảo luận giúp tăng tốc đáng kể việc chuyển từ PoC sang truyền dữ liệu bằng cách kết hợp hai nhóm (8/1/2023, ngày sự cắt giảm một nửa tiếp theo diễn ra) và cấp phần thưởng cho mức sử dụng DC cùng với tất cả phần thưởng còn lại cho PoC.

Ví dụ: nếu 100 triệu DC được sử dụng và HNT có giá $30, (100 triệu * $0,00001 chia cho $30 = 33,3 HNT), thì 33,3 HNT sẽ được chia theo tỷ lệ cho các node đã thực hiện công việc, và phần còn lại được chia cho các phần thưởng POC.

Kết quả là việc phát hành của mạng lưới dùng để thưởng các node xử lý lưu lượng truy cập hơn là các node chỉ ở trên mạng lưới và không làm gì. Điều này thúc đẩy tăng trưởng organic so với tăng trưởng trong các nút xung quanh vì phần thưởng sẽ được chuyển đến đầu tiên cho những node thúc đẩy thông lượng.

Mạng lưới IoT 

Mạng IoT của Helium đã được khởi động thành công với hơn 410 nghìn node trên khắp thế giới mặc dù mức độ sử dụng thực tế trên mạng rất khan hiếm. Trình duyệt Helium explorer phiên bản chính thức đã chi khoảng $60 triệu data credit mỗi năm; nhưng khi sử dụng trình duyệt DEWI explorer chỉ theo dõi việc truyền dữ liệu, khoản chi hàng năm này lại dưới $20 nghìn.

Mạng IoT rất khác với việc triển khai 5G, nhưng việc sử dụng ở phía IoT về cơ bản là không tồn tại, đây không phải là một kịch bản lạc quan cho đặc tính chuyên về không dây trong Giao thức Helium.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc áp dụng Mạng IoT không được mong đợi nhưng các công ty cần phải có đủ độ phủ để áp dụng vì vậy có thể bắt đầu từ bây giờ nếu có phạm vi phủ sóng đủ. IoT là sản phẩm không dây đầu tiên của Helium, mặc dù chúng ta có hứng thú nhiều hơn về tham vọng 5G của dự án. IoT có thể không thành công về lâu dài nhưng đóng góp một thị trường rộng lớn và toàn cầu để bán các node 5G.

Lời kết

Helium đang bước từ giai đoạn một công ty khởi nghiệp mạng không dây phi tập trung nhỏ sang cạnh tranh trên một sân chơi toàn cầu 5G với các tổ chức truyền thống lớn và có tài chính mạnh.

Với tiềm năng này, rủi ro đi kèm và rất nhiều lý thuyết trò chơi về cách những người đương nhiệm sẽ phản ứng và có chấp nhận Helium hay không. Chúng tôi là những người ủng hộ tích cực cho Helium, nhưng hiểu những rủi ro mà dự án gặp phải để đạt tới mục tiêu trong tầm nhìn.

Bài viết được Hiền Lê thuộc FXCE Crypto biên tập từ “Helium in the Era of 5G Networks” của tác giả Tom Shaughnessy với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.

#Web3
#Infrastructure
#Helium
ic-comment-blueComment
#