Projects
Các usecase thực tế của NFT
#
Marketing
14 min read
13/12/2022
11
0
0

NFT giúp thiết lập sự khan hiếm kỹ thuật số cũng như tính định danh duy nhất và có thể chứng minh được. Chúng cho biết tài sản kỹ thuật số nào là bản gốc—giống như việc một bức tranh được chứng nhận trong một căn phòng chứa đầy các bản in giống nhau.

NFT, còn được gọi là token không thể thay thế (non-fungible token), là một loại token chuỗi khối được thiết kế mang tính độc nhất. Không giống như các token có thể thay thế được như BTC, ETH hay SOL, mỗi NFT là riêng lẻ và không có token nào giống hệt nhau.

Do đó, NFT có thể được sử dụng để chứng minh tính cá nhân hoặc tính duy nhất của một thứ gì đó—và thường có liên kết với siêu dữ liệu, chẳng hạn như hình ảnh, tệp video hoặc tài liệu. NFT có thể chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản kỹ thuật số hoặc tài sản vật chất tùy thuộc vào nhà phát hành và siêu dữ liệu liên quan.

NFT trên Ethereum còn được gọi là ERC-721 token, nhưng NFT cũng tồn tại trên các chuỗi khối khác như Solana, Avalanche, Cardano và Tezos ở các dạng khác nhau.

Use Case của NFT

Mặc dù các nhà phê bình NFT có thể lập luận rằng các token như vậy là không cần thiết, nhưng trong thực tế NFT cũng có thể cung cấp một số use case khác nhau cho holder.

NFT giúp thiết lập sự khan hiếm kỹ thuật số cũng như tính định danh duy nhất và có thể chứng minh được. Trong thế giới ngày càng được số hóa, chúng ta sẽ càng cảm thấy tài sản kỹ thuật số ít có giá trị hơn chỉ vì một số tài sản có thể dễ dàng bị sao chép và tái sản xuất. Nhưng NFT cho biết tài sản kỹ thuật số nào là bản gốc—giống như việc một bức tranh được chứng nhận trong một căn phòng chứa đầy các bản in giống nhau.

NFT cũng có thể cho phép chủ sở hữu tự lưu ký, nghĩa là chủ sở hữu của NFT nói trên có thể giữ toàn quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số của họ mà không cần phải tin tưởng vào bên trung gian hoặc máy chủ web của bên thứ ba để có các tùy chọn lưu ký.

Trong crypto, cụm từ “not your keys, not your crypto” đề cập đến ý tưởng rằng cách duy nhất để thực sự “sở hữu” bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào đó là giữ toàn quyền chủ quyền đối với khóa riêng tư và lưu trữ tài sản kỹ thuật số trong một ứng dụng ví tự quản lý hoặc ví lạnh.

NFT cũng có thể mở ra các lộ trình mới để chuyển tài sản giữa các nền tảng, còn được gọi là khả năng tương tác. Matthew Ball - Cựu giám đốc điều hành của Amazon Studios và là nhà văn tiểu luận viểt về metaverse trước đây đã nói với Decrypt trong một cuộc phỏng vấn rằng “Rõ ràng là có giá trị ở đó,” khi nói đến NFT, đồng thời nói thêm rằng: NFT, với tư cách là một công nghệ, có thể mở rộng với công nghệ metaverse đang phát triển và là “giải pháp khả thi nhất cho hàng hóa ảo [như] chúng ta đã thấy.”

Thiết kế của NFT đã mở ra một khái niệm hoàn toàn mới về ý nghĩa của việc “sở hữu” tài sản kỹ thuật số.

NFT trong Phim

Hollywood và ngành công nghiệp điện ảnh độc lập đã áp dụng NFT vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ: các hãng phim truyền thống lớn và các nền tảng phát trực tuyến như Paramount, Warner Bros. và Lionsgate coi NFT là nguồn doanh thu mới cho các tài sản trí tuệ (Intellectual Properties - IP) nổi tiếng của họ và ngành công nghiệp giải trí gia đình đang suy giảm khi người tiêu dùng chuyển từ đĩa vật lý sang các tệp số hóa cũng như phát trực tuyến.

Warner Bros đang hình dung lại tầm nhìn của mình về tương lai của ngành công nghiệp giải trí gia đình với các NFT thử nghiệm “Chúa tể của những chiếc nhẫn” giúp mở khóa các tính năng đặc biệt và một bản sao của phim, về cơ bản thay thế DVD bằng NFT.

Netflix đã thực hiện một cách tiếp cận khác với NFT của mình cho series phim “Stranger Things”. Nền tảng phát trực tuyến này đã quyết định tặng các áp phích NFT kỹ thuật số về các ngôi sao của chương trình truyền hình này làm phần thưởng cho việc hoàn thành các trò chơi trực tuyến hàng tuần.

Khi những tay chơi lớn nhất của Hollywood nhúng chân vào thế giới NFT, một số thì đang tính phí người hâm mộ cho các bộ sưu tập kỹ thuật số trong khi những người khác thì đang tận hưởng trải nghiệm này.

Nhưng NFT phim không nhất thiết phải mang tính thương mại hay quảng cáo—một số đang cố gắng biến chúng thành một cuộc cách mạng. Nhà sản xuất phim độc lập Niels Juul, người đã sản xuất “Silence” và “The Irishman” - các bộ phim của Martin Scorsese, xem NFT như một cách để tài trợ cho các dự án phim nếu không sẽ không được thực hiện.

“Tôi biết rất nhiều kịch bản tuyệt vời ngoài đó không được thực hiện ở mức $10, 15, 20 triệu vì các hãng phim đang nhìn vào những thứ của Marvel, những thứ như vấn đề nhượng quyền thương mại,” Juul trước đây đã nói với Decrypt trong một cuộc phỏng vấn.

Trong nỗ lực tài trợ cho các bộ phim kinh phí vừa và nhỏ mà các hãng phim lớn không mấy quan tâm, Juul đã tạo ra NFT Studios và KinoDAO, với KinoDAO cho phép người mua NFT có tiếng nói trong các quyết định làm phim, nhận phần thưởng và quyền truy cập bằng token độc quyền.

Bryan Unkeless, đồng sản xuất “Hunger Games” cũng trong tình huống tương tự — nhưng anh muốn sử dụng NFT để gây quỹ và tạo fandom cho “Runner” - dự án đa phương tiện sắp tới. Unkeless và nhóm của anh đang tập trung đầu tiên vào truyền thuyết và mạch phát triển của truyện tranh “Runner” trước các loại hình phương tiện khác như chương trình truyền hình hay trò chơi điện tử.

NFT cho phép nhóm đội ngũ “Runner” có quyền kiểm soát sáng tạo mà không cần người gác cổng trong khi xây dựng cộng đồng và thu thập phản hồi trực tiếp từ người hâm mộ.

“Thành thật mà nói, các dự án Web3 mặc dù có hiệu ứng hình ảnh không thể tin được và thậm chí chúng có khả năng xây dựng thế giới tuyệt vời, tuy nhiên chúng không có thiết kế và cấu trúc tổng thể mà có thể phù hợp với các phương tiện khác nhau,” Unkeless trước đây nói với Decrypt trong một cuộc phỏng vấn.

“Hy vọng là với lượng kiến thức và kinh nghiệm từ phim ảnh, truyền hình và trò chơi, chúng tôi sẽ biết điều gì thực sự hiệu quả.”

Nhưng các nhà sản xuất Hollywood không phải là những người duy nhất tạo ra NFT vì họ thích tiềm năng của công nghệ này. Các diễn viên nổi tiếng như Anthony Hopkins và Scott Eastwood cũng đã tham gia NFT.

Bộ sưu tập Ethereum NFT của Hopkins mô tả anh ấy trong nhiều vai trò khác nhau đã bán hết trong vòng vài phút và Eastwood trước đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng anh ấy cũng có kế hoạch phát hành NFT của chính mình cho người hâm mộ.

Có vẻ như Hollywood đang nghiêng về Web3, nhưng không phải ai cũng chắc chắn rằng ngành công nghiệp này đã sẵn sàng. Bryce Anderson của “Runner” đã viết trên Twitter vào tháng 5 năm 2022 rằng Hollywood chưa sẵn sàng cho sự thay đổi.

“Ngành công nghiệp điện ảnh đã sẵn sàng đón nhận NFT chưa? Chưa” Anderson nói. “Thậm chí là phát trực tuyến, siêu anh hùng hay máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng cuối cùng, bất cứ thứ gì phù hợp với khán giả thì sẽ phù hợp với Hollywood.”

NFT trong Âm nhạc

Nhiều nhạc sĩ, như DJ Steve Aoki và 3LAU, tin rằng mô hình công nghiệp âm nhạc truyền thống cần được đại tu. Các nghệ sĩ nhận được một phần rất nhỏ trong tổng số tiền bản quyền kiếm được từ các bài hát được phát trực tuyến—và do đó thường cảm thấy áp lực khi phải đi lưu diễn và thực hiện các chương trình trực tiếp để kiếm sống.

Trong thời kỳ đại dịch, việc lưu diễn trở nên bất khả thi, do vậy các nghệ sĩ ngày càng hướng tới các phương thức kiếm tiền khác. Các nghệ sĩ và nhà sản xuất nhạc điện tử—những người làm việc với máy tính cả ngày—đã bắt đầu khám phá thế giới NFT và tiềm năng của chúng trong việc giúp nghệ sĩ kết nối với người hâm mộ một cách trực tiếp hơn mà không cần đến các hãng thu âm lớn.

Trên thực tế, trong một sự kiện Gala Âm nhạc vào tháng 2 năm 2022 Aoki đã thú nhận rằng anh ấy kiếm được tiền từ NFT nhiều hơn cả một thập kỷ phát triển âm nhạc, điều này đã thực sự gây sốc trên internet.

“Nhưng nếu tôi thực sự thất vọng, thì đó là việc trong 10 năm làm nhạc… tôi có sáu album, tuy nhiên tất cả những thứ đó không bằng số tiền tôi kiếm được từ NFT chỉ trong năm ngoái. Ngoài ra, tôi còn say mê âm nhạc hơn rất nhiều,” Aoki nói.

Đối với những người trong ngành công nghiệp âm nhạc, tuyên bố của Aoki không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề tiền bản quyền của nghệ sĩ cũng là lý do chính khiến nghệ sĩ điện tử và DJ Justin “3LAU” Blau bắt đầu nền tảng âm nhạc Web3 Royal của mình, cho phép các nghệ sĩ sở hữu âm nhạc của riêng họ và chia quyền âm nhạc cho người hâm mộ trả tiền thông qua doanh số bán NFT.

Các nhạc sĩ khác, như Tycho và Illmind, muốn sử dụng NFT làm “tấm vé” cho các cộng đồng độc quyền của họ.

Tycho trước đây đã nói với Decrypt về Web3: “Tôi không xem nó [...] là một tầm nhìn không tưởng mà nó đã được quảng cáo như lúc đầu. “Nhưng tôi nghĩ chắc rằng NFT có thể là một công cụ khác trong bộ công cụ của các nghệ sĩ, vì vậy bất cứ khi nào có một loại đòn bẩy nào khác, tôi nghĩ rằng nó sẽ thay đổi mức độ ảnh hưởng của nghệ sĩ lên người hâm mộ theo một cách nào đó.”

Có một điều rõ ràng đó là các nghệ sĩ điện tử có nhiều khả năng tham gia vào NFT hơn bất kỳ kiểu nhạc sĩ nào khác. Dữ liệu của Audius cho thấy các nghệ sĩ điện tử và hip-hop phổ biến nhất trên nền tảng của nó.

“Hầu hết các nghệ sĩ nhạc điện tử luôn cố gắng bắt kịp bất cứ điều gì đang xảy ra trong công nghệ bởi vì chúng tôi tạo nhạc trên máy tính,” nhạc sĩ điện tử Dillon Francis trước đây đã nói với Decrypt.

“Bạn biết đấy, nhạc điện tử không dựa vào Top 10 bản hit của Billboard. Chúng tôi dựa vào việc các bài hát của mình được phát trong các lễ hội hoặc câu lạc bộ, và sự truyền miệng trên các blog… đó là một phần lý do tại sao văn hóa và cộng đồng Web3 này lại rất thú vị đối với chúng tôi,” Francis nói.

NFT trong Thời trang

Giữa sự cường điệu của metaverse vào năm 2022, nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ đã tung ra các bộ sưu tập NFT về nghệ thuật thị giác hoặc thiết bị đeo kỹ thuật số—và những NFT đó đôi khi cũng được kết nối với tài sản vật chất trong thế giới thực.

Một số thương hiệu thiết kế thời trang cao cấp dường như đang sử dụng NFT và Web3 như một cách để thu hút lớp thế hệ trẻ đã và đang lớn lên cùng thời đại kỹ thuật số.

Tiffany đã ra mắt 250 NFT phiên bản giới hạn được kết nối với Crypto Punks của Yuga Labs. Với 30 ETH, những người nắm giữ Punks có thể thấy nhân vật đồ họa của họ biến thành một chiếc vòng cổ của Tiffany ngoài đời thực.

Gucci đã mua đất trong The Sandbox và cũng đã hoạt động tích cực trong Roblox. Thương hiệu này cũng đã ra mắt NFT của riêng mình và cho biết vào tháng 5 năm 2022 rằng họ sẽ chấp nhận Bitcoin và ApeCoin làm hình thức thanh toán tại một số cửa hàng.

Tương tự Gucci, Prada, Givenchy, Balmain, Dolce & Gabbana và Balenciaga cũng đã sử dụng NFT như một con đường kỹ thuật số để phát triển doanh thu sản phẩm, mặc dù rất ít người thảo luận công khai về việc sử dụng NFT để xác thực hàng hóa thực.

Trong lĩnh vực trang phục đường phố và trang phục thể thao, Adidas, Nike và Puma đều đã chuyển sang Web3. Nike đã mua RTFKT và đã phát hành nhiều NFT giày thể thao, đôi khi được gắn với giày thể thao vật lý. Adidas cũng được kết nối với Yuga Labs và đang phát hành các thiết bị đeo kỹ thuật số mang thương hiệu Adidas. Puma cũng đã mua tên miền .eth ENS cho riêng mình và kể từ đó cũng đã tung ra các thiết bị đeo metaverse mang thương hiệu Puma.

Nói về tên miền .eth, trang thương mại điện tử trực tuyến Farfetch cũng đã mua tên miền và đang tập trung vào Web3 và NFT trên phương tiện truyền thông xã hội.

NFT trong Trò chơi

NFT đã gây ra khá nhiều chấn động trong ngành công nghiệp trò chơi truyền thống. Trong khi một số công ty như Ubisoft, Take-Two, Epic Games và Square Enix đã chấp nhận ý tưởng phát triển trò chơi với tài sản và mỹ phẩm trong trò chơi dưới dạng NFT, thì những công ty khác như Valve (của cửa hàng Steam) và nhà phát triển độc lập Aggro Crab Games lại kịch liệt phản đối chúng.

Electronic Arts có lập trường lạc quan một cách khiêm tốn, nhưng dường như vẫn chưa tích cực phát triển hoặc theo đuổi các trò chơi NFT.

Lập trường của Microsoft về NFT có vẻ mâu thuẫn, gã khổng lồ công nghệ này đã cấm NFT của bên thứ ba trong “Minecraft” nhưng lại có một người đứng đầu blockchain, người này đã gợi ý rằng crypto và Web3 là một phần trong “danh mục đầu tư” của công ty này.

Còn Sony thì dường như đang khám phá các NFT trong trò chơi, họ đã nộp bằng sáng chế liên quan đến NFT cho bộ phận trò chơi của mình vào năm 2021.

Những người ủng hộ NFT trong game nói rằng các trò chơi có tài sản NFT là một cách để người chơi kiếm tiền từ thời gian của họ và cảm thấy có quyền sở hữu hơn đối với thành tích và tài sản kỹ thuật số của họ. Còn phe đối lập lập luận rằng các game thủ đã bán tài khoản của họ trên nhiều marketplace khác nhau và tin rằng NFT đơn giản là không cần thiết.

Trước Ethereum Merge, đã có quá nhiều phản ứng dữ dội xung quanh NFT trong trò chơi đến nỗi GSC Game World và Team17 đã hủy kế hoạch về NFT cho các tựa game sắp ra mắt.

Các nhà phát triển trò chơi truyền thống hiện vẫn đang có nhiều quan điểm khác nhau về NFT trong trò chơi, thì một loại game mới lấy NFT làm trung tâm đã xuất hiện. Các trò chơi trên web3 như Axie Infinity, Splinterlands, Alien Worlds và Big Time là những ví dụ về các tựa game tập trung vào các tài sản in-game dưới dạng NFT.

Các công ty trò chơi khác đã nhảy vào Web3 để hiện đại hóa và số hóa thương hiệu của họ. Nhà bán lẻ truyền thống GameStop đã tạo ra một NFT marketplace và hợp tác với ImmutableX, một chuỗi khối tương thích với Ethereum, để bán NFT trò chơi Web3 thông qua nền tảng của nó.

Bài viết được FXCE Crypto biên tập từ "NFT Real-Life Use Cases" của tác giả Kate Irwin với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.

#NFTs
ic-comment-blueComment
#