Có một câu nói vẫn thường được truyền tai nhau bởi các chuyên gia SEO: “Nấm mồ tốt nhất cho một xác người chính là trang tìm kiếm thứ hai của Google.”
Thuật toán Mở và sự Xóa bỏ Độc quyền Dữ liệu
Trang tìm kiếm thứ hai của Google quả là một nơi ẩn náu tuyệt vời vì chỉ có 25% người dùng chịu lướt qua trang đầu tiên của Google khi tìm kiếm thông tin. Về bản chất, người dùng có xu hướng thay đổi tiêu chí tìm kiếm của mình hơn là đi sâu vào cơ sở dữ liệu của Google. Điều này nói lên nhiều điều, có thể về thuật toán tìm kiếm của Google, cũng có thể là mong muốn của nhân loại về sự hài lòng trong tức thì. Hoặc cũng có lẽ, là cả hai.
Các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, có thể sống hoặc chết chỉ dựa vào thuật toán tìm kiếm của Google. Một điều chỉnh nhỏ với những thông tin xuất hiện trên trang đầu tìm kiếm, hoặc thay đổi trong cách Google hệ thống các nguồn dữ liệu, có thể làm thay đổi lưu lượng truy cập của người dùng, và dần dà, ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của công ty.
Ngày nay, thuật toán kiểm soát nhiều hơn những gì xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của bạn.
Việc thuật toán phân phối nội dung một cách hiệu quả, cung cấp nguồn thông tin chọn lọc tới từng cá nhân, nhưng nhằm mục đích kích động thay vì đoàn kết đám đông cũng dần dà trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận. Mạng xã hội và các thuật toán tin tức đủ mạnh mẽ để có thể ảnh hưởng đến cả những cuộc bầu cử chính trị trên toàn thế giới, chỉ bằng cách đem đến thông tin sai lệch.
Các thuật toán của Amazon hay American Airlines thường đưa ra những giới thiệu về giá cả sản phẩm và dịch vụ mà không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của người dùng. Sự thành công hay thất bại của một nhà sáng tạo cũng hoàn toàn được quyết định bởi thuật toán tìm kiếm - giới thiệu của các “công cụ kinh tế” như Youtube, Spotify, Netflix và Apple.
Nói ngắn gọn, các thuật toán đang ngày càng hướng cuộc sống của chúng ta theo những hướng đã được định sẵn trước, như một động lực thúc đẩy các bộ óc thông minh nhất của thế giới tiếp tục phát triển những mô hình khai thác giá trị cao hơn, với tốc độ nhanh hơn. Và thành thật mà nói, không có một dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ suy giảm.
Tất cả mọi dấu hiệu đều đang vẽ ra một viễn cảnh thế giới càng bị nhấn chìm trong thuật toán. Tương tự như những chiếc xe tự động, trong khi bạn đang ở vị trí tay lái, thuật toán mới chính là người điều khiển. Bạn đơn thuần chỉ là một hành khách trên xe, đầy ảo tưởng về quyền kiểm soát của bản thân mình.
May mắn thay, các hệ thống tiền mã hóa đang đem đến một phương tiện mà nhân loại có thể giành lại vị trí tay lái của mình, hoặc chí ít là giữ vững hai tay của mình trên vô lăng. Với ý tưởng rằng đầu tư vào các thuật toán mở có thể tái thiết kế động lực giữa người và trí tuệ nhân tạo, luận điểm này bao hàm hai thành phần cơ bản: dữ liệu mở và thuật toán mở.
Dữ liệu Mở
Dữ liệu mang bản chất độc quyền, nó hội tụ về một điểm duy nhất. Đó chính là bởi vì dữ liệu có lực hấp dẫn.
Được hình thành vào 2010, tiền đề của “lực hấp dẫn dữ liệu” rất đơn giản nhưng sâu sắc. “Khi Dữ liệu tích lũy (hình thành khối lượng lớn) sẽ có nhiều khả năng các Dịch vụ và Ứng dụng bổ sung sẽ bị thu hút bởi dữ liệu này.” - Dave McCrory.
Lực hấp dẫn dữ liệu nhằm chỉ đến hiệu ứng lực kéo của dữ liệu lên độ trễ và thông lượng. Độ trễ đề cập đến tốc độ của một mảnh dữ liệu có thể được truy xuất và chuyển tiếp, còn thông lượng đề cập đến lượng thông tin có thể truyền đi trong một khoảng thời gian nhất định.
Các ứng dụng và dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp và thông lượng cao, sẽ ngày càng tịnh tiến về lực hút của dữ liệu. Các ứng dụng và dịch vụ khác ít phụ thuộc vào độ trễ và thông lượng cũng chịu ảnh hưởng bởi sức hút dữ liệu, tuy nhiên với tác động nhẹ hơn.
Cuối cùng, một loại hiệu ứng kép được ra đời khi các ứng dụng và dịch vụ tạo ra nhiều dữ liệu hơn để từ đó thu hút nhiều ứng dịch và dịch vụ tiềm năng khác. Hãy nghĩ về cách mà Apple có thể phát triển nhiều ứng dụng và dịch vụ hơn khi họ thu được càng nhiều thông tin của người dùng.
Khi Apple phát triển các tệp hồ sơ người dùng đủ sâu sắc và cô đọng, công ty có thể cung cấp cả dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe hoặc dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Lực hấp dẫn dữ liệu là một khía cạnh quan trọng trong bước phát triển của các công ty công nghệ, trở thành các công ty độc quyền dữ liệu. Để dữ liệu phát huy hiệu quả, nó cần được dán nhãn và hữu dụng khi kết nối các mảnh thông tin khác nhau.
Lượng lớn thông tin được Facebook, Amazon, Netflix và Google (hay còn gọi là FANGs) tích lũy, dần cho phép các tổ chức này tạo ra nhiều dịch vụ và ứng dụng hiệu quả hơn. Và đương nhiên, lực hấp dẫn từ dữ liệu cận biên của người dùng (nhưng vẫn giá trị) có thể được áp dụng tổng hợp để tăng khả năng tạo ra doanh thu của mỗi công ty, thông qua các dịch vụ quảng cáo và sản phẩm mục tiêu.
Vì dữ liệu được liên kết tự nhiên với thực thể hoặc giao thức, việc mở mã nguồn dữ liệu mà các thuật toán đang dựa vào sẽ giúp giảm thiểu tính tập trung. Mở mã nguồn dữ liệu là một đề xuất giá trị quan trọng trong hệ thống blockchain. Với trường hợp của hầu hết các crypto protocol, toàn bộ nguồn dữ liệu đều công khai, bao gồm cả thông tin giao dịch và thông tin người dùng.
Ngoài ra, các protocol như Erasure của Numerai cũng có thể mã hóa dữ liệu và phân phối công khai các dạng dữ liệu có thể chia sẻ, mà không để lộ những thông tin quan trọng bên trong.
Hứa hẹn khái niệm dữ liệu mở này, ngay cả khi nó được mã hóa một phần, có thể giúp làm sáng tỏ cách các bộ máy đang sử dụng dữ liệu để trích xuất giá trị.
Thuật toán Mở
Đa số các thuật toán ngày nay đều là mã nguồn đóng. Thuật toán A9 của Amazon - nhằm đề xuất các sản phẩm đắt hàng nhất dựa trên truy vấn tìm kiếm của khách hàng - là một hộp đen. Chỉ có đội ngũ kỹ thuật của Amazon mới biết được nó hoạt động như thế nào và trước đó, các nhà đại diện từ phía Amazon đã tuyên bố rằng họ “không thay đổi các tiêu chí thuật toán tìm kiếm vì mục đích lợi nhuận.”
Một điều kinh điển, đừng cố gắng tìm hiểu những thuật toán mang danh nghĩa không-phục-vụ-mục-đích-lợi-nhuận, khi đằng trước nó được che đậy bởi một tấm màn lớn bằng tiền. Không có gì để xem ở đây đâu, các bạn tôi.
Tương tự như vậy, mặc dù Chrome của Google đa phần là mã nguồn mở, trình duyệt này triển khai công cụ tìm kiếm mặc định của Google Search và duy trì sức mạnh tổng hợp trên nền tảng cũng với thuật toán của công cụ Google Search. Mỗi năm, Google trả cho những trình duyệt khác hàng tỉ đô để được sử dụng làm mặc định. Google kiểm soát thị trường tìm kiếm toàn cầu
Việc phi tập trung hóa các thuật toán không hề đơn giản như mở mã nguồn cho cơ sở mã (codebase) độc quyền và cho phép mọi công ty trên thế giới sao chép nó.
Một hệ thống đủ điều kiện để có thể chạy các thuật toán mạnh mẽ như Pragmatic Chaos của Netflix hay A9 của Amazon cần đến hàng nghìn người để duy trì - bảo dưỡng, cũng như dao động từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đô cho chi phí phần cứng. Đó là lý do tại sao các dự án tiền mã hóa được chuẩn bị để tiếp cận vấn đề này theo một khía cạnh khác biệt.
Các hệ thống crypto ngay từ lúc xây dựng ban đầu là để được quản lý bởi các cộng đồng. Hãy tưởng tượng các ứng dụng tương tự như Youtube hay Spotify, nhưng với các thông tin người dùng và thuật toán gợi ý đều là mã nguồn mở. Cộng đồng sẽ không chỉ có cơ hội thiết kế mà còn quản trị các thuật toán giá trị, đóng vai trò tài sản then chốt của mạng lưới.
Hiện nay, các protocol với thuật toán mở đang trong quá trình xây dựng. Audius, một protocol cung cấp dịch vụ streaming âm nhạc phi tập trung trên Ethereum cho phép các nghệ sĩ được phối lại mọi bản nhạc (như SoundCloud) và cho phép các nhà phát triển tận dụng API để stream mọi dạng âm thanh từ Audius mà không cần bận tâm về vấn đề bản quyền (như RIP SoundCloud).
Một đề xuất giá trị quan trọng của Audius chính là khả năng chống-kiểm-duyệt, vì thế mà các công ty hoặc nghệ sĩ đều sẽ không thể “đóng cửa” dự án này vì bất kì lý do gì. Ngoài ra, bởi vì mọi dữ liệu đều nằm trên chuỗi và được gắn vào các khóa công khai (public key), bất kỳ cộng đồng nào cũng có thể tạo ra một phiên bản mới của Audius với những thuật toán gợi ý khác biệt.
Hứa hẹn hơn, các protocol với thuật toán mở sẽ trao quyền cho cộng đồng quyết định đâu là các thuật toán cần được ưu tiên. Tìm kiếm lợi nhuận là một điều kiện của con người, nhưng về khía cạnh phân bổ giá trị, các thuật toán mở trong mạng lưới tiền mã hóa sẽ giúp quá trình này trở nên công bằng hơn.
Mặc dù các thuật toán mở không thể thực hiện được ở mọi lĩnh vực, các cộng đồng kiểm soát thuật toán cũng sẽ phần nào tạo ra những tác động tích cực đến những hệ sinh thái lớn nhất, như những thị trường giao dịch, hay các nền tảng truyền thông, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mạng xã hội, hoặc nhiều ứng dụng khác.
Lời cuối về việc Đầu tư vào Các thuật toán Mã nguồn Mở
Thế giới của chúng ta ngày càng được định hình trong các thuật toán. Thuật toán giao dịch kiểm soát phần lớn thị trường chứng khoán. Cuộc sống trên mạng xã hội của chúng ta bị theo dõi qua các lăng kính đề xuất của Facebook, Twitter, Instagram và Tiktok.
Khi cuộc sống dần bị chi phối bởi thuật toán, chúng ta cần giành lại quyền kiểm soát và quản trị các thuật toán này. Ranh giới giữa sự phát triển của thuật toán và sự thao túng rất mỏng manh. Một thế giới nơi mà thuật toán thúc đẩy nhân loại đi lên thay vì kìm hãm con người từ ngay trong tiềm thức, xứng đáng là mục tiêu để hướng tới.
Bài viết được Hiền Lê thuộc FXCE Crypto biên tập từ “On Open Algorithms and Dismantling Data Monopolies” của tác giả Mason Nystrom, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.