Một lợi thế của các giao thức mở và phi tập trung là chúng được công khai: mọi người đều có thể thấy những gì đang xảy ra trên mạng lưới. Tuy nhiên, việc truy cập và sử dụng dữ liệu công khai này có thể phức tạp hơn những gì nó thể hiện. Ngày hôm nay chúng ta có hai tùy chọn: tự mình xem qua tất cả lịch sử của blockchain (ví dụ: chạy một node đầy đủ) hoặc truy vấn trình duyệt block như Etherscan.
Tùy chọn đầu khá tốn tài nguyên: mất thời gian, cần phải lưu trữ một bản sao của toàn bộ chuỗi khối và luôn được kết nối. Tùy chọn thứ hai dựa vào bên thứ ba tập trung, nó không hẳn là không cần độ tin cậy (trustless).
Cả hai tùy chọn cũng sẽ hoạt động khác nhau đối với từng blockchain và giao thức, làm tăng rất nhiều độ phức tạp để hoàn chỉnh dữ liệu trong môi trường cross-chain hiện nay.
The Graph mong muốn giải quyết vấn đề thông qua một giao thức truy vấn phi tập trung (decentralized query protocol).
Giới thiệu sơ lược về The Graph
The Graph là một giao thức lập chỉ mục phi tập trung (decentralized indexing protocol) cho Web3. Nó cho phép truy vấn dữ liệu blockchain mà không cần kết nối với blockchain hoặc phải dựa vào bên thứ ba tập trung. Nói một cách đơn giản hơn, đó là một giao thức API phi tập trung cho các blockchain và các ứng dụng phi tập trung.
Ví dụ ngắn gọn
Hãy tưởng tượng một ứng dụng phi tập trung được xây dựng trên Aave sẽ cần quyền truy cập vào dữ liệu của giao thức. Cho đến nay, Aave đã phải xây dựng và duy trì một API tập trung trên các máy chủ để cho phép người khác truy cập và sử dụng dữ liệu. Với The Graph, các nhà phát triển Aave sẽ viết một subgraph manifest (lược đồ dữ liệu - data schema) và indexer sẽ lập chỉ mục dữ liệu của Aave, tìm nạp trực tiếp trên mạng Ethereum, tạo ra một API phi tập trung thật sự cho Aave.
Một số ưu điểm của The Graph là các dapp sẽ không phải tự duy trì các API, dữ liệu giao thức sẽ được phi tập trung hóa và nó cho phép các nhà phát triển xây dựng cấu trúc và ngôn ngữ truy vấn chung cho tất cả các giao thức của bất kỳ blockchain mở nào.
Mạng lưới The Graph hoạt động thế nào
Các chỉ số dữ liệu (Data indices), được gọi là subgraph, được xây dựng từ subgraph manifest - một tài liệu mô tả dữ liệu từ một giao thức cụ thể cần được lập chỉ mục và cách thức - để sau này người dùng và ứng dụng có thể truy vấn dễ dàng. Mỗi subgraph có thể được truy vấn bằng lệnh gọi API GraphQL tiêu chuẩn. GraphQL là một ngôn ngữ thao tác và truy vấn dữ liệu mã nguồn mở cho các API do Facebook phát triển ban đầu.
Từ các sự kiện blockchain đến cách dữ liệu được lưu trữ, được ghi lại trong Graph Node, nút sẽ ghi nhận bất kỳ thay đổi nào trên chuỗi và cập nhật subgraph cho phù hợp.
Sau đó, mỗi subgraph được lập chỉ mục có thể được truy vấn giống như một API truyền thống thông qua điểm cuối GraphQL của nó và dữ liệu được tìm nạp từ một mạng lưới lập chỉ mục phi tập trung. Bạn có thể tìm thấy một ví dụ về tập lệnh truy vấn dữ liệu từ một Aave subgraph tại đây.
Mạng lưới
Có các tác nhân khác nhau tham gia vào The Graph Network. Như chúng ta sẽ thấy, các token ưu đãi được thiết kế tốt để mạng lưới cân bằng giữa tất cả những người tham gia và token được dùng. Dưới đây, tôi sẽ kiểm tra The Graph Network theo từng bên liên quan và các chức năng tương ứng.
Developer
Các nhà phát triển là những người xác định các subgraph. Nói chung, các nhà phát triển sẽ tạo một hoặc nhiều subgraph từ mỗi giao thức cho dữ liệu của giao thức chính. Tuy nhiên, vì dữ liệu Ethereum được công khai nên về lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể tạo các subgraph cụ thể từ mỗi giao thức.
Indexer
Những người duy trì chính của giao thức là những indexer. Họ là những cá nhân vận hành các Graph Node mà trên đó họ lập chỉ mục dữ liệu theo mô tả subgraph và stake GRT. Để đổi lấy việc lưu trữ dữ liệu của các subgraph, họ nhận được phần thưởng lập chỉ mục từ tỷ lệ lạm phát hàng năm 3% của GRT và phí truy vấn (query fee) từ người dùng đã truy vấn các subgraph.
Phần thưởng lập chỉ mục khác nhau dựa trên tầm quan trọng của các subgraph mà họ đang lập chỉ mục theo tín hiệu của curator và tỷ lệ GRT được phân bổ đã stake trên subgraph đó.
Curator
Vì giao thức được phi tập trung hóa và sử dụng mã nguồn mở, các subgraph khác nhau lập chỉ mục dữ liệu khác nhau từ các giao thức giống nhau có thể xuất hiện (ví dụ: các subgraph khác nhau cho Aave sẽ được tạo và lập chỉ mục).
Curator đóng một vai trò quan trọng trong giao thức bằng cách báo hiệu subgraph nào tốt hơn, đáng tin cậy hơn hoặc quan trọng nhất. Bằng cách làm như vậy, họ khuyến khích indexer lập chỉ mục các subgraph tốt hơn, vì việc lập chỉ mục được báo hiệu nhiều nhất sẽ mang lại cho người indexer nhiều phần thưởng hơn. Đổi lại, curator nhận được một phần phí truy vấn được tạo bởi subgraph mà họ đã báo hiệu.
Theo một cách nào đó, những curator liên tục tinh chỉnh mạng bằng tín hiệu và được khuyến khích bằng phần chia sẻ phí truy vấn nhận được.
Delegator
Trong mạng của The Graph, vai trò của delegator đơn giản hơn. Họ ủy quyền (ví dụ: stake) token GRT cho indexer và nhận một phần thưởng lập chỉ mục và phí truy vấn mà indexer kiếm được.
Vì những indexer nhận được phần thưởng từ mạng lưới một phần dựa trên số lượng token GRT đã stake, họ cạnh tranh để giành được vốn của delegator, điều này khuyến khích họ chia sẻ một lượng hợp lý thu nhập với những delegator đó. Hiệu ứng này thậm chí còn dẫn đến việc một số chỉ số trợ cấp cho delegator để thu hút vốn lúc đầu.
Khuyến khích hoạt động theo cả hai cách, delegator sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách ủy quyền cho indexer thực thi với các subgraph quan trọng nhất theo tín hiệu của curator. Cho đến nay, có khoảng 7.000 delegator stake trên hơn 150 indexer.
End user
Người dùng có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp (thường là các dapp khác) cần truy cập dữ liệu blockchain một cách dễ dàng và đáng tin cậy. Khi sử dụng The Graph, họ sẽ truy vấn mạng lưới chỉ mục phi tập trung thông qua thị trường truy vấn (query market) nơi mỗi người dùng trả phí đến indexer cho mỗi truy vấn.
Điều này sẽ cho phép họ có quyền truy cập vào nguồn dữ liệu linh hoạt hơn và truy vấn dữ liệu đến từ các blockchain cũng như giao thức khác nhau theo cách tương tự, giảm độ phức tạp.
Hiện tại, một cổng được duy trì bởi The Graph sẽ trợ cấp cho các truy vấn, nhưng cuối cùng hệ thống sẽ chuyển đổi thành một thị trường nơi người dùng chi trả đến indexer cho mỗi truy vấn.
Token GRT
GRT, là token của The Graph, là token ERC-20 được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum. 10 tỷ token đã được đúc (mint) khi ra mắt và chúng được lên kế hoạch mở khóa trong khoảng thời gian 10 năm.
Lộ trình cung ứng và phân phối
Có thể thấy từ lịch trình mở khóa 5 năm bên dưới, 60% số token sẽ được mở khóa một năm sau khi mainnet (tháng 12 năm 2020) và 90% sau đó hai năm. Ngày mở khóa khóa đầu tiên sẽ là 6 tháng sau khi ra mắt, vào tháng 6 năm 2021, khi hầu hết các token từ Đội Sáng Lập (Early Team), Ban Cố Vấn (Advisors) và Nhóm Ủng hộ Ban đầu (Early backers) sẽ mở khóa.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát hàng năm là 3%, và 1% tổng phí truy vấn cùng tất cả các khoản thuế ký gửi dự kiến sẽ bị đốt. Cả tỷ lệ đốt (buring rate) và lịch trình lạm phát (inflation schedule) đều có thể được điều chỉnh bởi ban quản trị (governance).
Tokenomics
Để The Graph Network đạt được mục tiêu trở thành một giao thức dữ liệu phi tập trung, nó cần phải dựa vào một cơ chế khuyến khích và phần thưởng mạnh mẽ. Indexer cần được đền bù cho công việc của họ, curator khuyến khích đưa ra những lựa chọn hữu ích và delegator được thưởng cho số vốn đã stake. Mỗi bên liên quan này sẽ kiếm được token GRT cho các dịch vụ trong khi người tiêu dùng truy vấn mạng lưới chi trả GRT.
Phần thưởng & Cơ chế Khuyến khích khác
Mạng lưới của The Graph cung cấp một hệ thống phong phú về phần thưởng và đốt token cho những người tham gia khác nhau.
Indexer kiếm được phí truy vấn và phần thưởng lập chỉ mục. Phí truy vấn do indexer đặt ra, nhưng dự kiến sẽ cạnh tranh hơn khi họ cạnh tranh với nhau về các truy vấn trên thị trường. Ngoài ra, họ kiếm được "phần thưởng lập chỉ mục dưới dạng phát hành token GRT mới [3%/năm] được phân phối tỷ lệ với tín hiệu từ Curator và phân bổ các khoản stake …" vào các subgraph.
Delegator kiếm được một phần doanh thu của Indexers (phí truy vấn + phần thưởng lập chỉ mục) do chính indexer đặt ra. Delegator sẽ tìm kiếm những indexer có thu nhập tốt và đồng ý chia sẻ một phần đáng kể từ khoản thu nhập đó cho delegator.
Khi báo hiệu cho một subgraph, curator sẽ đốt token GRT và chia sẻ phần quản lý (mint curation) của subgraph này. Những chia sẻ này cho phép curator kiếm được một phần phí truy vấn từ subgraph. Điều này xảy ra trên một đường cong liên kết (bonding curve), do đó những curator đầu tiên, chấp nhận nhiều rủi ro hơn, nhận được nhiều cổ phần hơn.
Phần stake của indexer có thể bị cắt giảm nếu họ có hành vi sai trái. Delegtor và curator phải chịu thuế ký gửi là 0,5% và tất cả token GRT đã stake trên giao thức phải chịu lệnh giữ trong vòng 28 ngày nếu hủy stake.
Quỹ Giảm giá (Rebate Pool)
Một phần phí truy vấn được đóng góp vào quỹ giảm giá, được sử dụng để thưởng cho tất cả những người tham gia dựa trên sự đóng góp của họ trong mạng lưới. Chúng được phân phối lại thông qua chức năng sản xuất Cobb-Douglas cho indexer và token còn lại từ quỹ sẽ bị đốt. Cơ chế này được sử dụng để khuyến khích Indexer stake số lượng token tối ưu.
"Tất cả các cơ chế kết hợp này được thiết kế để tạo ra một thị trường mở hiệu quả cho các dịch vụ dữ liệu trên cơ sở hạ tầng hoàn toàn phi tập trung." - The Graph
Tiến độ Mạng lưới The Graph
Mở rộng sang những chuỗi khác và giải pháp L2
The Graph triển khai mainnet dưới dạng dịch vụ được lưu trữ vào tháng 12 năm 2020 với sự hỗ trợ cho Ethereum và IPFS. Vào tháng 2 năm 2021, The Graph đã mở rộng các dịch vụ lập chỉ mục và truy vấn sang Polygon, mở ra cánh cửa cho dữ liệu từ các giải pháp Layer 2 như chuỗi Matic PoS và ZK và Optimistic Rollups có khả năng được kết nối với cơ sở hạ tầng của Polygon.
Sau thông báo đó, họ bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ cho các giao thức khác và hiện đã tích hợp với 19 blockchain L1 và L2, bao gồm Avalanche, Binance Smart Chain, Celo, Clover và Fuse. The Graph đang thể hiện tầm nhìn thực sự của mình về một giao thức multi- blockchain và đã công bố kế hoạch tích hợp Polkadot, Solana và NEAR trong những tháng tới. Cuối cùng, họ tuyên bố giao thức sẽ cho phép hỗ trợ tất cả các chuỗi L1 chính, bao gồm cả Bitcoin.
Ví dụ về Sự Phát triển của The Graph
Phát triển Truy vấn (Query)
Đồng thời, The Graph đạt số lượng truy vấn cao nhất hàng tháng, với hơn 20 tỷ truy vấn vào tháng 4 năm 2021. Con số đó gấp 20 lần so với một năm trước, với 1 tỷ truy vấn vào tháng 6 năm 2020.
Phát triển Mạng lưới
Cả số lượng nhà phát triển sử dụng The Graph để xây dựng dapp và số lượng subgraph có sẵn trên giao thức đang tăng đều đặn. Hơn 18.000 nhà phát triển dựa vào giao thức cho các ứng dụng của họ để lấy dữ liệu từ các giao thức như Uniswap hoặc Synthetix.
Ngoài ra, số lượng subgraph có sẵn trên The Graph đã tăng từ 10% lên 15% trong ba tháng đầu năm 2021 và hiện tại tổng số trên 12.000.
Sự tăng trưởng những tháng gần đây về số lượng truy vấn, subgraph và hoạt động của nhà phát triển không chỉ cho thấy sự thành công của The Graph mà còn phản ánh rộng rãi hơn việc áp dụng Ethereum và Web3 nhiều hơn.
Xu hướng Tiếp nhận
Khối lượng truy vấn trên The Graph cung cấp cái nhìn sơ lược về hoạt động của Ethereum cũng như thông tin mà các nhà phát triển mong muốn nhất.
DeFi dẫn đầu về số lượng subgraph được lập chỉ mục (> 50%) và khối lượng truy vấn (90%), với 88% hoạt động DeFi này đến từ AMMs. Các loại ứng dụng quan trọng khác sử dụng dịch vụ được lưu trữ trên The Graph bao gồm các NFT (11,4% số subgraph - 2,5% khối lượng truy vấn), các DAO (4,7% - 1%) và Network Analytics (4,2% - 4%).
Nguồn: The Graph
Khi phát triển phân tích on-chain, The Graph nhanh chóng trở thành một nguồn thông tin có giá trị và mở ra xu hướng khai phá mới.
Chuyển sang Mainnet Phi tập trung
Vào cuối tháng 4 năm 2021, The Graph bắt đầu di chuyển một số subgraph sản xuất từ dịch vụ được lưu trữ sang mạng phi tập trung. Các subgraph đầu tiên được di chuyển bao gồm dữ liệu từ Audius, DODO, Enzyme, Gnosis, Livepeer, mStable, Opyn, PoolTogether, Reflexer và UMA, có nghĩa là các giao thức này hiện có thể được truy vấn từ mạng lập chỉ mục phi tập trung của The Graph.
Các subgraph khác sẽ dần dần chuyển sang mainnet, cẩn thận đảm bảo không có gì bị lỗi trong thời gian chờ đợi. Nhìn chung, The Graph Foundation (nhóm chính thúc đẩy phát triển The Graph) có vẻ thận trọng nhưng không ngừng tiến về phía trước và đạt được những cột mốc mới.
Tài chính đi trước, Dữ liệu bước theo sau
The Graph bắt đầu với mục tiêu đầy tham vọng là hợp nhất dữ liệu từ tất cả các blockchain thành một giao thức truy vấn phi tập trung duy nhất, nơi các nhà phát triển sử dụng ngôn ngữ lập trình phổ biến, GraphQL, để truy vấn dữ liệu từ một mạng ngang hàng (peer-to peer) gồm các node lập chỉ mục (indexing nodes).
Từ nửa cuối năm 2021, ba năm sau tuyên bố đầu tiên, mục tiêu nay đã sắp thành hiện thực. Sau khi khởi chạy mainnet trên một dịch vụ được lưu trữ trên Ethereum, nhóm hiện đang khởi chạy các dapp vào mạng phi tập trung, đồng thời mở rộng sang các blockchain và các layer 2 khác.
Tầm nhìn của team về một giao thức dữ liệu phi tập trung multi-blockchain ngày càng cụ thể hơn qua mỗi tháng. Sau khi phi tập trung hóa nguồn tài chính, các công nghệ tiền mã hóa đang trên lộ trình phi tập trung hóa dữ liệu.
Bài viết được Đào Quốc Bình thuộc FXCE crypto biên tập từ “Solving The Problem of Accessing On-Chain Data” của Gustave Laurant, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.