Layer-1
NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?
#
Marketing
44 phút đọc
19/10/2022
1
0
0

Tương lai của Layer-1 là NEAR

Các blockchain layer 1 ngày càng nhiều và cạnh tranh. Khi Bitcoin lần đầu được giới thiệu vào năm 2008, nó đã có được vị thế riêng trước khi các đối thủ khác xuất hiện. Đến thời điểm này có hơn 100 blockchain Layer 1 khác nhau đang cạnh tranh trong hệ sinh thái crypto gần 2 nghìn tỷ USD vẫn đang dần mở rộng. Bất chấp quy mô khổng lồ này thì Bitcoin và Ethereum đang kiểm soát hơn 50% tổng thị trường.

Những nền tảng mới tham gia đều tập trung vào hợp đồng thông minh (smart contract) – lĩnh vực mà Ethereum đã thống trị thị trường trước đó. Trong 18 tháng qua, hàng loạt các dự án mới tham gia đã đạt được sức hút ấn tượng. Vào đầu năm 2021, Ethereum đang nắm giữ 97% TVL. Tính đến tháng 3 năm 2022, con số này đã giảm xuống dưới 60%.

 

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

 

Những dự án mới tham gia thị trường đã cố gắng cải thiện các điểm yếu hiện tại của Ethereum, cụ thể là nhanh hơn, rẻ hơn hay cung cấp cơ cấu phần thưởng hấp dẫn hơn. Không gian hợp đồng thông minh đã trở nên quá lớn và tiếp tục phát triển nhanh chóng, do đó không có gì ngạc nhiên khi sự cạnh tranh này ngày càng tăng. Nhưng liệu có bao nhiêu bên sẽ thắng cuộc?

Như đã đề cập trong Messari Crypto Theses năm 2022, các nền tảng công nghệ có xu hướng phát triển theo thị trường nhị quyền bán (duopolies – chỉ có hai người chơi làm chủ phần lớn thị trường). Ethereum và máy ảo Ethereum (Ethereum Virtual Machine – EVM) có khởi đầu thuận lợi đến mức khó có thể vượt qua.

Hơn nữa có vô số các nhà phát triển và xây dựng đang build trên EVM. Các đối thủ cạnh tranh lớn được lợi từ EVM bằng cách sử dụng hay làm cầu nối cho EVM, thay vì cố gắng cạnh tranh trực tiếp mà lại không có khả năng này. Ngay cả Solana và Cardano gần đây cũng đã và đang bổ sung thêm khả năng tương thích EVM (Terra là ngoại lệ). EVM đã tự củng cố vị thế thông qua các hiệu ứng mạng lưới của chính nó.

Đâu sẽ là nền tảng chính tiếp theo nếu ta nghĩ rằng không gian hợp đồng thông minh sẽ được thống trị bởi hai người chơi? Solana, Avalanche và Terra đã tạo dấu ấn mạnh mẽ vào năm 2021, mỗi bên đều tăng thị phần (tính bằng TVL) lần lượt là 4%, 5% và 8%.

Cardano từ lâu đã là nền tảng hợp đồng thông minh đứng thứ hai theo tổng giá trị thị trường, trước khi bị Terra và BNB vượt qua. Sau nhiều năm trì hoãn, các khả năng hợp đồng thông minh của Candano cuối cùng đã được kích hoạt trên mạng lưới vào tháng 9 năm 2021. Từ đó đến nay, Cardano chỉ giành được thêm 0,05% thị phần hợp đồng thông minh.

Một giao thức mới đã nổi lên và khẳng định vị thế vào giữa năm 2020. Với đội ngũ ấn tượng, nguồn tài trợ mạnh và công nghệ nền tảng mới, NEAR Protocol nhanh chóng tăng trưởng lên mức vốn hóa thị trường hơn 10 tỷ đô la trong vòng một năm kể từ khi ra mắt công chúng. Báo cáo nhằm giới thiệu và phân tích Layer-1 mới nổi này.

NEAR là gì? Tổng quan giao thức và đội ngũ dự án

NEAR được thành lập vào năm 2018 bởi Illia Polosukhin và Alexander Skidanov. Khi còn là sinh viên, cả hai đều đạt vị trí cao trong Cuộc thi Lập trình Cao đẳng Quốc tế tại Vòng chung kết Thế giới ICPC và Alex đã đạt huy chương vàng. Alex là kỹ sư phần mềm tại Microsoft, còn Illia là kỹ sư tại Google.

Họ gặp nhau tại Y-Combinator khi làm việc trong các dự án không liên quan và họ cùng nhau giải quyết một vấn đề chung xung quanh machine learning. 2 nhà phát triển đã giải quyết vấn đề về tổng hợp chương trình (chén thánh của các vấn đề trong khoa học máy tính).

Cả hai cần các nhà phát triển từ khắp nơi trên thế giới giúp với những code nhỏ để giải quyết vấn đề. Khi gửi các khoản thanh toán cho những cá nhân này, nhóm đã sử dụng các mạng tài chính truyền thống nhưng quá chậm và tốn kém và khi sử dụng các nền tảng crypto thì cũng gặp phải vấn đề. Các blockchain hiện quá chậm, quá đắt hoặc không thể xử lý đủ các giao dịch. Để xây dựng một blockchain tốt hơn, họ đã bắt đầu NEAR Protocol.

Khi họ nghiên cứu sâu hơn về công nghệ của nền tảng hợp đồng thông minh lớn nhất lúc đó là Ethereum, đội ngũ NEAR nhận thấy rằng công cụ cũng như tư duy viết code trên này rất khó hiểu đối với hầu hết các nhà phát triển truyền thống.

Họ đã xây dựng các thành phần của NEAR ngay từ đầu bằng các công cụ tiêu chuẩn ngành được sử dụng tại Google, Microsoft và các công ty công nghệ khổng lồ khác, kể cả việc tận dụng WebAssembly cho phép sử dụng các ngôn ngữ lập trình tiêu chuẩn. Điều này làm nổi bật đặc tính chính của đội ngũ NEAR: tư duy ưu tiên nhà phát triển trong mọi việc họ làm.

NEAR có thể hỗ trợ bất kỳ ngôn ngữ nào biên dịch thành WebAssembly, gồm Java, Go, Rust và các ngôn ngữ khác. Điều này sẽ giúp các nhà phát triển Web2 tạo ứng dụng dễ dàng hơn thay vì phải học một ngôn ngữ cụ thể như Solidity, ngôn ngữ ưa thích của Ethereum, để viết code. WebAssembly cũng cho phép các nhà phát triển chuyển các ứng dụng cũ của họ sang Web3 dễ dàng hơn.

Rust là ngôn ngữ ưa thích cho các lập trình viên NEAR viết code nếu họ muốn xây dựng các ứng dụng một cách linh hoạt hơn.

Với sự linh hoạt được thêm vào công nghệ blockchain, tầm nhìn cho NEAR là trở thành nền tảng cơ bản để xây dựng một “web mở” phi tập trung. Tầm nhìn này mở rộng khái niệm về việc chuyển giá trị có thể chuyển đổi, không cần sự cho phép đối với các tài sản tài chính trong DeFi, đến việc mã hóa mọi thứ có thể và sẽ có giá trị, có thể là một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hay một bài đăng trên mạng xã hội.

Để đạt được quy mô này, blockchain cơ bản hiện tại phải có khả năng xử lý khối lượng giao dịch khổng lồ, nhanh chóng và với chi phí thấp: đều là những điều NEAR đang cố gắng đạt được.

Công nghệ

Cơ bản về Blockchain

NEAR sử dụng thuật toán đồng thuận bằng chứng cổ phần (PoS) được gọi là Bằng chứng cổ phần theo ngưỡng (Thresholded Proof-of-Stake). Thuật toán này phân bổ phần thưởng staking cho validator và staker dựa trên tỷ lệ NEAR được stake với một phân mảnh (shard) cụ thể, có thể lên đến một mức tối đa nhất định.

Điều này giúp mở rộng mạng lưới hơn bằng cách tăng số lượng validator. Các giải pháp của bên thứ ba như Metapool, cũng đã được xây dựng để không phân biệt các nhóm xác thực lớn và đẩy mạnh tính phi tập trung hơn nữa.

Kỹ thuật tạo khối của NEAR được gọi là “DoomSlug”. DoomSlug cho phép NEAR đạt được “tính cuối cùng thực tế” (practical finality) cho các giao dịch chỉ sau một vòng giao tiếp giữa các validator thay vì đợi nhiều khối như Ethereum. Finality là thuật ngữ chỉ thời điểm một giao dịch blockchain không thể thay đổi bởi mạng lưới.

NEAR có thể tiếp tục tạo và hoàn thiện các khối nếu một nửa người tham gia đang trực tuyến và không chứng thực các khối không hợp lệ hay không chính xác. 50% này khác với 66% được yêu cầu bởi các thuật toán đồng thuận Byzantine Fault Tolerance (BFT) làm nền tảng cho Ethereum và các mạng khác. Sự đồng thuận 50% này được gọi là “Doomslug Finality”.

Để đi sâu hơn thì khá thiên về kỹ thuật nhưng tóm gọn thì những cải tiến chính từ các thuật toán BFT phổ biến (như PBFT, Tendermint hoặc Hotstuff) là rút ngắn thời gian giao tiếp giữa những người tham gia và giả định ngầm về tính trung thực của các nhà tạo khối.

Chuỗi chỉ có thể được đảo ngược nếu một nhà tạo khối bị phạt vì đề xuất khối không chính xác. Nếu người tham gia muốn xem toàn bộ kết quả cuối cùng của BFT, họ chỉ cần đợi thêm một khối nữa cho xác nhận đó. Những điều chỉnh này sẽ hoàn tất trong 1–2 giây so với hơn 1 phút hoặc hơn đối với Ethereum.

Khả năng tương thích

Blockchain của NEAR có thể được sử dụng để chạy các hợp đồng thông minh, nhưng cũng có khả năng tương thích với EVM để các nhà phát triển Ethereum dễ dàng chuyển qua các ứng dụng. NEAR đạt được khả năng tương thích với EVM một cách độc đáo: NEAR triển khai một hợp đồng thông minh trên mạng NEAR chính, được gọi là Aurora.

Aurora về cơ bản hoạt động như một mạng độc lập của riêng nó, nhưng là một hợp đồng thông minh chứ không phải là một chuỗi khối hoàn toàn mới. Thiết kế này giúp việc nâng cấp linh hoạt hơn đồng thời thể hiện sức mạnh công nghệ cốt lõi của NEAR vì các blockchain khác không có khả năng chạy EVM giống như vậy.

Aurora hoạt động như một sidechain và không xác thực các khối ngoài chuỗi (blocks off-chain) giống như các giải pháp Layer 2 trên Ethereum. Tất cả quá trình xác thực (validation) diễn ra trên chuỗi NEAR và Ethereum. Bởi vì Aurora không phải là blockchain riêng biệt, nó kế thừa thời gian khối (block time) và cơ chế đồng thuận từ mạng lưới NEAR.

Để thanh toán cho các giao dịch, người dùng phải trả phí cho mạng lưới NEAR bằng ETH thay vì các native token khi sử dụng Aurora hay các ứng dụng của nó. Điều này làm tăng tính đơn giản cho người dùng.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: Aurora.dev

Tính bảo mật và khả năng mở rộng

Các node trên blockchain có các chức năng cơ bản là xử lý giao dịch, giao tiếp với các node khác và lưu trữ lịch sử dữ liệu của blockchain. Công nghệ blockchain hiện tại yêu cầu tất cả các node trong một mạng lưới xử lý mọi giao dịch và lưu trữ toàn bộ lịch sử của chuỗi. Điều này giúp mạng lưới an toàn, nhưng chậm đi vì phải đợi tất cả node cập nhật. Ví dụ Ethereum có khoảng 2500 node phải đồng bộ hóa để mạng lưới hoạt động liên tục.

Cách NEAR tiếp cận với khả năng mở rộng tương tự như Ethereum 2.0 ở việc sử dụng công nghệ sharding. Sharding chia lịch sử dữ liệu blockchain thành các phần nhỏ hơn và cho phép chúng được lưu trữ giữa các bên khác nhau. Do đó mạng lưới phân phối lưu trữ tải, xử lý và tính toán trên nhiều node để tăng tốc độ mạng và khả năng mở rộng. Mỗi node có thể xử lý và giữ một phần của trạng thái tổng thể hơn là mọi giao dịch.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: Vitalik Buterin

Mặc dù sharding có những lợi ích nói trên, nhưng cũng có những rủi ro về bảo mật và thách thức về giao tiếp. Ở cấp blockchain, hầu hết các chuỗi sẽ sử dụng hoặc có kế hoạch để sử dụng Sharding. Việc sử dụng Sharding làm cho một chuỗi khối phân mảnh giống như một mạng lưới gồm nhiều chuỗi khối con (sub-blockchain).

Vấn đề ở cách tiếp cận này chủ yếu là giao tiếp giữa các mảnh và tính bảo mật của từng mảnh riêng lẻ. Mỗi mảnh hoạt động trong một phần nào đó của một silo vì validator chỉ nhìn thấy trạng thái đầy đủ của phân mảnh riêng lẻ.

Khi một khối mới được tạo ra, snapshot của mỗi phân mảnh sẽ được chụp lại và roll up vào chuỗi chính (main chain). Vì mỗi phân mảnh tự nhiên sẽ có ít validator hơn so với chuỗi chính nên dễ bị tác động xấu hơn; thiết lập này làm cho mỗi phân mảnh kém an toàn hơn toàn bộ chuỗi. Các mạng lưới phân mảnh truyền thống thường chỉ định ngẫu nhiên validator cho các phân mảnh để giải quyết vấn đề này.

Điều đó giúp sức mạnh không bị tập trung vào một mảnh (mảnh có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn để tấn công). Tính ngẫu nhiên trên blockchain là một vấn đề phức tạp và thực hiện tính ngẫu nhiên trong sharding đều có sự đánh đổi riêng. NEAR có cách tiếp cận mới với tính ngẫu nhiên bằng cách “khoan dung” tới 2/3 các tác nhân xấu trước khi giao thức bị xâm phạm.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: NEAR.org

NEAR đã giới thiệu công nghệ sharding là NightShade để cải thiện các vấn đề của phương pháp tiếp cận truyền thống. Thay vì chia nhỏ chuỗi chính thành các chuỗi khối riêng lẻ, NightShade chia nhỏ các khối riêng lẻ. Mỗi phân mảnh tạo ra một lô dữ liệu riêng gọi là “chunk”, sau đó được validator chính sắp xếp thành một khối.

Mỗi khối chứa tất cả các tiêu đề phân mảnh, là siêu dữ liệu gồm thông tin về nội dung của phân mảnh: danh sách đầy đủ các giao dịch của mảnh đó. Cách này làm giảm không gian các phân mảnh chiếm trong mỗi khối và thông tin liên lạc về các giao dịch trên mảnh riêng lẻ cũng được truyền tải trong toàn bộ chuỗi khối. Điều này cho phép chuỗi song song xử lý, lưu trữ và lan truyền mạng.

Từ quan điểm của người dùng và nhà phát triển, NEAR giống như một chuỗi để xử lý, thay vì nhiều chuỗi độc lập như Cosmos hay Polkadot. NEAR vừa mới mở rộng từ một lên bốn phân mảnh vào tháng 12 vừa qua. Việc nâng cấp hệ thống không yêu cầu thời gian chết của mạng lưới và không cần thay đổi từ các nhà phát triển hay người dùng.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: Nightshade Whitepaper

Hiện có 100 validator đang bảo mật mạng lưới. Những validator này chịu trách nhiệm sản xuất và xác nhận các “chunk” được đề cập ở trên.

Vì số lượng validator ít nên giá để trở thành một validator khá cao. Vào tháng 12 năm 2021, cần bỏ ra 3,6 triệu NEAR  để trở thành một validator, tuy nhiên giá đã giảm xuống còn ~ 50.000 NEAR vào thời điểm bài viết và có khả năng sẽ tiếp tục giảm khi thêm số lượng validator vào bản cập nhật sắp tới dự kiến ra mắt vào giữa năm 2022.

Nâng cấp này sẽ cho phép validator phân mảnh cụ thể, được gọi là “chunk-only producers“, tập trung vào việc sản xuất chunks cho một phân mảnh, sau đó truyền vào từng khối. Lượng NEAR cần stake để trở thành validator phụ thuộc vào số người đang stake trong một phân mảnh cụ thể. Càng ít người stake vào một mảnh thì yêu cầu đối với những người stake mới càng thấp, do đó khuyến khích các cá nhân hướng tới các mảnh ít phổ biến hơn.

Giai đoạn cuối cùng của NightShade sẽ giới thiệu tính năng tái phân mảnh linh hoạt (dynamic re-sharding), cho phép mạng lưới và số lượng phân mảnh có thể mở rộng khi nhu cầu người dùng tăng lên. Tính năng cho phép thông lượng cao mà vẫn quản lý được chi phí và sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022. Lúc đó sẽ có tám phân mảnh trong đó một phân mảnh dành riêng cho việc chạy Aurora.

Tính linh hoạt của NEAR cho phép các ứng dụng được chuyển sang phân mảnh chuyên dụng của riêng chúng nếu các ứng dụng trở nên phổ biến. Đây là một quá trình thách thức khi thực hiện trên các blockchain khác.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng quy mô, NEAR đã hợp tác với Octopus để cho phép các nhà phát triển xây dựng và khởi chạy “app chains” của riêng họ, được thiết kế cho các use case cụ thể và hoạt động song song với chuỗi chính. 

Octopus cung cấp các chuỗi ứng dụng có sẵn chức năng cho các nhà phát triển, những gì họ phải lo lắng là giao diện người dùng của ứng dụng. Tất cả các app chain trên Octopus tương thích chéo với các blockchain khác. Mạng lưới được khởi chạy như một hợp đồng thông minh trên NEAR. Polkadot có các chuỗi chuyên dụng tương tự cho các ứng dụng nhưng chúng tốn kém để khởi chạy và duy trì.

Ví dụ để khởi chạy một chuỗi trên Octopus thì chưa đến 100.000 USD trong khi trên Polkadot thì đến nay con số này đã cao hơn 40 lần.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: NearClub

Tính khả dụng

Cuối cùng, một khía cạnh khá nhỏ nhưng quan trọng trong việc giới thiệu người dùng Web2 là mô hình tài khoản NEAR. Trong các blockchain ban đầu, public key đóng vai trò là số tài khoản của người dùng và được liên kết với private key để kiểm soát tài khoản. NEAR đã xây dựng public key dưới dạng con người có thể đọc được, tương tự ENS đã xây dựng cho Ethereum, nhưng hoàn toàn miễn phí.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: wallet.near.org/

Ví dụ: JohnDoe.near có thể là địa chỉ ví NEAR của bạn. Public key này không nhất thiết phải được liên kết với một private key chính, nó có thể được liên kết với nhiều private key có các cấp độ quyền khác nhau. Mỗi private key chỉ được phép tương tác với một số hợp đồng nhất định, chỉ chi tiêu một số tiền nhất định, chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định,…

NEAR đã xây dựng công nghệ cho phép các giao dịch diễn ra nhanh chóng (~ 1 giây), hoàn tất nhanh chóng (~ 1-2 giây), rẻ và an toàn.

NEAR thực hiện lộ trình giống như Ethereum thứ 2 – Naval Ravikant (Cuộc chiến L1)

Các nhà đầu tư

Cũng như các dự án blockchain Layer 1 khác sau Ethereum, NEAR nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nhà đầu tư mạo hiểm ngay từ khi bắt đầu. NEAR kết thúc vòng venture với 12 triệu USD vào tháng 7/2019 và giao thức ra mắt public scale trên CoinList vào hè năm 2020, phân phối 12% trong tổng nguồn cung là 1 tỷ token NEAR, huy động được 33 triệu USD.

Gần đây nhất, dự án đã huy động được thêm 150 triệu USD do Three Arrows Capital dẫn đầu. Các nhà đầu tư của NEAR gồm A16Z, Pantera Capital, Electric Capital, Dragonfly Capital, Coinbase Ventures, Blockchain.com và Baidu Ventures. Aurora đã có vòng gọi vốn riêng vào tháng 10/2021, huy động được 12 triệu USD.

Việc phân bổ nguồn tài trợ cho hệ sinh thái, nền tảng và các quỹ đầu tư mạo hiểm khá cân bằng. So với các đối thủ cạnh tranh ra mắt trong cùng thời gian đó (AVAX, SOL và LUNA) thì phân bổ của NEAR cho các quỹ đầu tư mạo hiểm có thấp hơn một chút. Giống với các Layer-1 mới nổi thì công chúng sẽ nhận được nhiều hơn trong phần nhỏ của “chiếc bánh”. 

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: Messari, The Block, Galaxy Digital Protocols

Tokenomics

Mục đích sử dụng

Token NEAR có bốn mục đích sử dụng chính: bảo mật mạng lưới (thông qua stake), làm phí giao dịch và lưu trữ dữ liệu, làm phương tiện trao đổi và đơn vị tính toán. Cơ chế lưu trữ khá độc đáo vì người dùng cần giữ một lượng NEAR trong tài khoản để thanh toán cơ bản cho bộ nhớ mạng lưới, lượng NEAR tăng lên khi người dùng sử dụng dung lượng lưu trữ nhiều hơn.

Điều này làm tăng lượng những người sử dụng mạng và giảm khả năng các kẻ xấu spam vào mạng lưới, nhờ đó gắn kết người dùng hiện tại với người dùng tương lai của mạng lưới rất độc đáo vì họ đang thanh toán cho chi phí lưu trữ trong tương lai, do một giao dịch phải được lưu giữ trên blockchain vĩnh viễn. 

Cơ chế lưu trữ này tạo ra 1 layer bổ sung cho NEAR và sẽ được loại bỏ khỏi thị trường khi tăng hoạt động của mạng lưới. NEAR dự trữ không thể stake hay sử dụng trong các ứng dụng khác. Yêu cầu lưu trữ này cũng được mở rộng từ người dùng sang các hợp đồng thông minh. Bên dưới là dung lượng lưu trữ người dùng được phân bổ cho mỗi NEAR họ sử dụng.

Hiện tại, toàn bộ chuỗi Ethereum có dung lượng khoảng 500 GB. Nếu NEAR phát triển đến quy mô này, khoảng 5% nguồn cung sẽ được dự trữ trong các tài khoản để dành cho việc lưu trữ dữ liệu.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: NEAR Token Economics

Tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ burn coin

NEAR có tỷ lệ lạm phát được giới hạn 5%/năm cho phần thưởng khối. 90% phần thưởng này được trả cho validator và 10% cho NEAR treasury. Một số mạng lưới khác hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền tảng thông qua lạm phát, nhưng NEAR liên kết lạm phát với việc sử dụng mạng lưới.

Mạng lưới NEAR thu phí và burn phí mạng (tương tự cơ chế EIP-1559 của Ethereum), do đó lạm phát thực tế thấp hơn, tùy thuộc vào hoạt động của mạng lưới. Lạm phát thực tế giảm khi hoạt động mạng tăng lên. Lạm phát tổng thể dần về 0% khi giao dịch hàng ngày đạt 1,5 tỷ mỗi ngày (giao dịch hàng ngày tối đa đến nay là khoảng 1,8 triệu).

Trong thực tế, con số này có thể nhỏ hơn nhiều; một số chuyên gia tin rằng gần 100 triệu giao dịch hàng ngày, tùy mỗi loại giao dịch (vì một số giao dịch có phí cao hơn những giao dịch khác).

Về việc phân bổ khoản phí, 70% phí giao dịch trên NEAR sẽ được burn và 30% còn lại được gửi đến nhà tạo hợp đồng thông minh mà người dùng đang tương tác. Cơ chế khuyến khích người tạo lập xây dựng trên mạng lưới vì họ có thể xây dựng một ứng dụng tạo ra dòng tiền cho chính họ trong tương lai. Điều này cũng thúc đẩy xây dựng sớm cơ sở hạ tầng vì các ứng dụng đầu tiên sẽ tự nhận được nhiều hiệu ứng mạng lưới hơn.

Sẽ không có thêm các khoản phí để sắp xếp lại các giao dịch (MEV trên các chain khác), vì các vị trí trong một khối được chỉ định ngẫu nhiên. Solana cũng không cho phép MEV và do đó người dùng có xu hướng spam mạng lưới để thực hiện các giao dịch của họ trước. Cơ chế lưu trữ của NEAR giải quyết vấn đề này bằng cách làm cho người dùng muốn giao dịch phải hold NEAR tương ứng với hoạt động của họ.

Phần thưởng Staking

Hiện có khoảng 35% NEAR đang được stake, mang lại lợi nhuận hơn 11% hàng năm cho những người stake. Sau khi được điều chỉnh do lạm phát thì phần thưởng thực tế là khoảng 7%. Phần thưởng này khá đồng nhất dù bạn đang ủy quyền NEAR hay đang chạy validator. Lợi nhuận thực tế này là một trong những mức cao nhất đối với các blockchain Layer 1.

Nguồn cung

Tổng cung của NEAR là 1 tỷ token. Mỗi token NEAR được chia thành 10^24 yocto (đơn vị tính toán nhỏ nhất). Lịch trình vesting của các nhà đầu tư bị thay đổi trong hai năm đầu tiên sau khi ra mắt, khá độc đáo vì hầu hết các Blockchain Layer 1 khác unlock token gần như ngay lập tức (Solana, Ethereum, Cardano, Polkadot,…).

Nguồn cung lưu hành đã tăng hơn 400% từ cuối năm 2020 khi nhiều token được unlock hơn. Nguồn cung sẽ đạt mức ổn định đến cuối năm 2022, khi đó nguồn cung về cơ bản chỉ mang lại phần thưởng staking từ thời điểm đó trở đi.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Tích lũy giá trị

Nhìn chung giá trị tích lũy của NEAR khá tốt. Các nhà phát triển được khuyến khích xây dựng các ứng dụng bền vững thông qua việc chia sẻ phí hợp đồng thông minh 30% và quỹ tài trợ 800 triệu USD, những người stake được khuyến khích để bảo mật mạng lưới do APY khá cao (hấp dẫn hơn nhiều so với hầu hết các mạng lưới khác sau lạm phát) và người dùng được khuyến khích nắm giữ/sử dụng token của một hệ sinh thái đang phát triển.

Khi mạng lưới ngày càng phát triển, thu nhập của nhà phát triển cũng tăng theo. Lạm phát thực tế sẽ giảm xuống khi nhiều khoản phí được burn hơn, mang lại nhiều lợi nhuận thực tế hơn cho các nhà đầu tư và người dùng sẽ có nhiều ứng dụng và đối tác hơn để giao dịch. Hệ sinh thái tổng thể cũng có một cơ chế tài trợ tích hợp cho sự tăng trưởng trong tương lai thông qua khoản phí 10% của mỗi giao dịch được chuyển đến NEAR Treasury.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Hệ sinh thái

Giới thiệu

NEAR mới gần 2 năm tuổi. Bản Mainnet Alpha của NEAR ra mắt vào tháng 4 năm 2020, bản Beta ra mắt vào tháng 9 năm 2020 trước khi chính thức hoạt động vào tháng 10 năm 2020 cho tất cả người dùng. Mặc dù nằm trong số các blockchain lớn mới nhất, việc tham gia vào hệ sinh thái NEAR đơn giản hơn nhiều so với hầu hết các blockchain Layer 1 khác.

Khi sử dụng NEAR, người dùng đăng ký tạo ví thông qua trang web của họ, nhưng ví này không phải là một tiện ích mở rộng của trình duyệt như MetaMask mà nó được ghi vào trình duyệt. NEAR trông giống như Web2, hoạt động giống như một “đăng nhập bằng tài khoản Google” hơn là như một tiện ích mở rộng Metamask. Ví NEAR còn cho phép người dùng tự tạo token của riêng mình rất đơn giản ngay trên ví của trình duyệt.

Đối với người dùng Web3 hiện tại, Aurora đã hợp tác với Consensys để giúp Metamask tương thích với NEAR. Điều này sẽ giúp người dùng Ethereum bình thường tương tác với giao thức dễ dàng hơn.

Do khả năng tạo private key sử dụng một lần, NEAR cũng đã giới thiệu người dùng bằng cách gửi cho họ một khóa cho phép họ truy cập vào NFT hoặc một số token để sử dụng và để bắt đầu sử dụng mạng lưới. Họ cũng đang khuyến khích người dùng mời người khác bằng phương pháp “NEARDROP” này.

Đối với người dùng của các hệ sinh thái khác, NEAR có các cầu nối với các hệ sinh thái chính như Ethereum, Terra và Cardano. Cầu nối với Ethereum (Rainbow Bridge) là cầu nối phổ biến nhất tới NEAR với gần 750 triệu USD trong TVL.

Từ khi ra mắt Rainbow, khối lượng giao dịch hàng ngày trên mạng NEAR đã tăng gấp 40 lần. Phần lớn các giao dịch trên cầu này được tính bằng stablecoin với phần lớn khối lượng tăng đột biến vào cuối tháng 12 nhờ thêm tích hợp UST. Cầu nối đã được kiểm định bởi Consensys Diligence và ABDK Consulting trước khi ra mắt, giúp người dùng yên tâm hơn.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Ngoài Rainbow Bride thì AllBridge hỗ trợ cầu nối cho một loạt hơn 100 token. Vào tháng 10 năm 2021, cầu nối này đã được kiểm toán bởi Hacken và được cho là an toàn. Đã có một phân tích chi tiết hơn tại đây về AllBridge. Nhiều cầu nối khác kết nối với NEAR cũng đang được xây dựng bao gồm cả CBridge phổ biến.

Hệ sinh thái ứng dụng

Hệ sinh thái NEAR đã phát triển nhanh chóng trong hai năm qua. Đến nay đã có hơn 350 dự án giữa NEAR và Aurora với nhiều dự án được xây dựng thêm mỗi ngày.

Vào tháng 10 năm 2021, NEAR đã khởi động quỹ tài trợ 800 triệu USD để phát triển hệ sinh thái. Quỹ được quản lý bởi một DAO mới ra mắt, với ít nhất 350 triệu USD dành cho DeFi, 100 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp và 250 triệu USD cho các nhà phát triển hiện tại.

Đây là một trong những quỹ tài trợ lớn nhất từng được ra mắt cho blockchain Layer-1. Có thể nói rằng các nhà phát triển sẽ rất háo hức tiếp tục xây dựng trên NEAR với mức tài trợ đã tăng lên. Đối với các nhà xây dựng nhỏ hơn, NEAR đã khởi động cuộc thi MetaBuidl hackathon, trao giải thưởng trị giá 1 triệu USD để phát triển hệ sinh thái. Dưới đây là hình ảnh về các dự án hiện có.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: NEARMates

Cơ sở hạ tầng

Hai dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trên NEAR là Aurora và Octopus Network đã được đề cập rất chi tiết. NEAR có kết nối với các công nghệ back-end tiêu chuẩn ngành như IPFS và Ceramic để lưu trữ phi tập trung, Chainlink cho các dịch vụ Oracle và The Graph để lập chỉ mục dữ liệu.

Đối với trình khám phá khối, NEAR có khả năng tương thích với Etherscan và đã xây dựng trình khám phá khối gốc của riêng mình: NEAR Explorer cho mạng lưới chính và Aurorascan cho Aurora. Một mạng lưới các nhà khai thác bằng chứng cổ phần (proof of-stake) đã ủy quyền các token NEAR. Khả năng tương thích với nền tảng bảo hiểm hợp đồng thông minh phổ biến Insurace cũng đã được xây dựng.

Nhìn chung, hệ sinh thái đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng như mong đợi trên các chuỗi lớn hơn và nổi tiếng hơn.

DeFi

DeFi trên NEAR được ra mắt vào tháng 4 năm 2021. Hiện có ba giao thức DeFi chính trên NEAR với hơn 20 giao thức bổ sung trên Aurora, tổng cộng nắm giữ hơn 600 triệu USD TVL.

NEAR đứng vị trí thứ 17 về TVL so với các nền tảng . Các ứng dụng phổ biến nhất tại thời điểm này là sàn giao dịch phi tập trung Trisolaris (Aurora) và Ref Finance (NEAR). Ứng dụng phổ biến thứ ba là Meta Pool, một nền tảng staking tương tự như Lido trên Ethereum. Curve and Sushi đang có kế hoạch ra mắt trên NEAR trong tương lai gần.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Ứng dụng phổ biến nhất trong hệ sinh thái (chiếm hơn 56% TVL) và đặc biệt trên Aurora (chiếm 75% TVL) là Trisolaris. Trisolaris là một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và bản fork của giao thức SushiSwap phổ biến. Trisolaris phổ biến hơn Ref Finance, vì nó có được tốc độ và chi phí thấp của NEAR khi thanh toán phí bằng ETH. Trisolaris cũng đang xem xét áp dụng áp dụng cấu trúc token VE, được phổ biến bởi Curve.

Ứng dụng DeFi lớn nhất trên chuỗi chính NEAR, chiếm hơn 70% TVL là Ref Finance. Trong hệ sinh thái NEAR rộng hơn (bao gồm các ứng dụng Aurora), Ref chiếm khoảng 19% TVL. Ref Finance là một AMM cho phép giao dịch không cần cho phép đối với bất kỳ token nào trên mạng NEAR. Người dùng kiếm được token REF để cung cấp tính thanh khoản. Tương tự như các DEX lớn khác, Ref Finance được quản lý bởi DAO.

Giao thức đã huy động được 4,8 triệu USD vào tháng 2 năm 2022 từ quỹ đầu tư Jump, Dragonfly và Alameda.

NFTs/Gaming

NFT và gaming đang ngày càng trở nên phổ biến trên NEAR do chi phí giao dịch thấp và độ trễ cao. Nền tảng NFT lớn nhất của NEAR là Mintbase. Mintbase được xây dựng dựa trên việc mua và bán NFT truyền thống giữa những người dùng để cho phép việc chia tiền bản quyền hoặc thanh toán giữa nhiều chủ sở hữu ví. Họ cũng quan tâm về vấn đề lưu trữ trong ngành NFT và hợp tác với Arweave để lưu trữ phi tập trung.

Bộ sưu tập NFT Hip Hop Heads đã giao dịch với khối lượng hơn nửa triệu USD trong lần đầu ra mắt vào nửa cuối năm 2021 trên Mintbase. Mintbase cũng hợp tác với nghệ sĩ nổi tiếng DeadMau5 để ra mắt NFT vào tháng 12 năm 2021 trên nền tảng của họ. Mặc dù dự án đạt được những cột mốc đáng kể, cơ sở người dùng Mintbase cho đến nay vẫn chưa được coi là ổn định (xem bên dưới).

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: DappRadar

Do cấu trúc tài khoản độc đáo của NEAR, các nhà xây dựng NFT có thể bán tài khoản của họ cho các bên thứ ba nếu muốn. Điều này cung cấp cho chủ tài khoản mới dòng doanh thu trong tương lai từ việc bán NFT đó vĩnh viễn. Việc chuyển này không đơn giản trên các nền tảng khác. 

Ví dụ: Pudgy Penguins NFT trên Ethereum đã cố gắng trong gần ba tháng để chuyển chủ sở hữu của dự án nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản hậu cần.

Gaming trên NEAR vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, có nhiều thông báo nhưng có rất ít trò chơi được ra mắt kể từ quý 1 năm 2022. Các gaming studio của Web3 đã huy động được hàng triệu USD để xây dựng trò chơi trên NEAR. OP Games đã huy động được 8 triệu USD với kế hoạch tung ra hơn 500 trò chơi trên NEAR vào cuối năm 2022. Một studio khác, Vorto Gaming, đã huy động được 4 triệu đô la.

Hệ sinh thái dành cho các nhà phát triển

Mức tăng trưởng của nhà phát triển trên NEAR vào năm 2021 là một trong những mức ấn tượng nhất trong số các Blockchain Layer 1. NEAR là giao thức nhanh thứ hai từ trước đến nay khi đạt được hơn 400 nhà phát triển, chỉ đứng sau BNB. NEAR đã tăng hơn 4 lần trong tổng số nhà phát triển vào năm 2021, chỉ đứng sau Solana (biểu đồ bên dưới).

Sự tăng trưởng sẽ tiếp tục vào năm 2022 với việc đạt được hơn 500 nhà phát triển tích cực khác trong tháng Giêng và tháng Hai.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: Electric Capital

Các nhà phát triển này không chỉ đến với các dự án nhỏ. NEAR đứng thứ ba về mức tăng trưởng của các nhà phát triển toàn thời gian vào năm 2021 với mức tăng trưởng là 291%. Terra và Solana vượt trội hơn so với NEAR với mức tăng trưởng lần lượt là 313% và 307% trong số các nhà phát triển toàn thời gian.

Điều này đã mang NEAR đến với hơn 100 nhà phát triển hoạt động toàn thời gian, chỉ sau Cosmos, Solana, Polkadot, Ethereum và Bitcoin. Phần lớn sự tăng trưởng trong năm 2021 là trước khi công bố quỹ phát triển hệ sinh thái được nhắc đến phía trên.

Để tiếp tục phát triển, NEAR Treasury cũng được thiết kế để giúp phát triển hệ sinh thái lâu dài. Kho bạc có cơ chế tài trợ tích hợp thông qua ủy quyền 10% phí giao dịch, được tái đầu tư vào phát triển hệ sinh thái. NEAR cũng tổ chức các cuộc thi viết code dành cho sinh viên trung học và đại học để tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của hệ sinh thái.

NEAR và cuộc đua của các blockchain Layer 1

Trong không gian blockchain Layer 1, cuộc đua giữa các giao thức mới và cũ vẫn đang diễn ra khốc liệt để đạt được tốc độ mạng tối đa với chi phí thấp và bảo mật tối đa. Mỗi đối thủ cạnh tranh đều thực hiện những cách tiếp cận khác nhau để tối ưu hóa các đặc tính này và phải đối mặt với hàng loạt sự đánh đổi về tính tập trung. Blockchain sẽ lý tưởng nhất nếu nhanh chóng, an toàn, được sử dụng rộng rãi và hoàn toàn phi tập trung.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Các số liệu thống kê về thông lượng hay độ trễ đều chỉ là lý thuyết bởi thực tế phần lớn các blockchain này không đạt đến công suất tối đa. NEAR hiện đang đứng đầu về các chỉ số chính gồm chi phí giao dịch, số lượng giao dịch tối đa mỗi giây và lợi nhuận từ stake. 

Tuy nhiên, NEAR đang đứng sau trong nhiều mục liên quan đến số lượng validator, chi phí để chạy một node và hệ số Nakamoto. NEAR có kế hoạch để phi tập trung khi phát triển, không giống như một số đối thủ cạnh tranh mang tính tập trung cao như BNB. NEAR đang thêm dần các mảnh khác nhau vào mạng lưới. NEAR thưởng cho validator thực hiện công việc trên các phân đoạn ít phổ biến hơn, do đó khuyến khích các validator nhỏ hơn.

Lộ trình phát triển trong tương lai

Sự phát triển của NEAR hiện tại và trong tương lai đang được điều phối bởi NEAR Foundation. Hiện chỉ có ba thành viên trong hội đồng quản trị định hướng tương lai cho giao thức. Mục tiêu trong tương lai là sử dụng các DAO và Guild (bang hội) để trao quyền quản lý giao thức cho cộng đồng.

Guild là một tính năng độc đáo của NEAR, nó hoạt động tương tự như DAO ở điểm là có tổ chức, phi tập trung, tập hợp mọi người xung quanh với một mục đích chung. Điểm khác nhau là các Guild rất đoàn kết theo một bộ kỹ năng hay niềm đam mê chung và sau đó tận dụng điều đó để đóng góp cho tổ chức hoặc để hoàn thành một số mục tiêu được đề ra.

Một Guild có thể đóng góp cho nhiều DAO khác nhau và các Guild giống như các phòng ban khác nhau trong công ty (HR, Marketing, Tài chính,…). NEAR Foundation như một tên lửa sẽ đưa NEAR vào không gian và sau đó các Guild và DAO sẽ hướng dẫn giao thức chuyển tiếp lên các hành tinh mới. Việc triển khai đầu tiên bắt đầu thông qua việc NEAR Foundation đã trao lại trang Medium của giao thức cho cộng đồng.

Về kế hoạch phát triển kỹ thuật, lộ trình của NEAR luôn được công khai và cập nhật liên tục. NEAR có kế hoạch tiếp tục tăng số lượng validator, do đó hạ thấp rào cản chi phí để mọi người có thể trở thành validator giữ bảo mật cho mạng lưới. NEAR cũng có kế hoạch tiếp tục tăng số lượng phân mảnh khi mạng lưới phát triển. Đội ngũ phát triển cũng đang tìm cách cải tiến cơ chế phí gas trong trường hợp nhu cầu sử dụng mạng lưới tăng lên.

Định giá

Việc sử dụng các chỉ số định giá truyền thống như P/E (Price per Earnings) hay P/S (Price/Sales per share) để định giá Blockchain Layer 1 là khá thử thách. Dữ liệu luôn có phần đáng nghi ngờ và các giao thức này cũng quá mới hoặc hỗ trợ cho việc tăng trưởng giao thức thông qua lạm phát khiến “doanh thu” là khái niệm khá mơ hồ. 

Vấn đề chi phí cũng đặt ra các câu hỏi: Chúng ta có coi chi phí để thiết lập một node là một khoản chi phí không? Còn chi phí để duy trì thì sao? Có bao gồm tiền điện không? Có nên coi những chi phí này bằng 0 vì người dùng cuối mới phải chịu chứ không phải là mạng lưới? 

Bỏ qua những nghi vấn đó, cái chúng ta cần quan tâm khi định giá là chỉ số P/S được Token Terminal cung cấp. Chỉ số P/S của NEAR làm cho những nhà phân tích phải phì cười. Trong thị trường tài chính truyền thống, P/S là 20 hay 30 là khá cao vì có nghĩa là sẽ mất 20 đến 30 năm để một nhà đầu tư có thể hoàn vốn, không tính thêm bất kỳ chi phí hay khoản đầu tư nào vào giao thức/công ty.

Với NEAR, con số này là gần 1000 (số liệu tại thời điểm bài viết). So với đối thủ gần nhất là Solana, khi xét đến P/S, NEAR thực sự thấp hơn và tỷ lệ tăng trưởng doanh thu gần như là giống nhau. Giá trị thị trường của Solana vẫn cao hơn NEAR 3 lần và gấp 8 lần tại một số thời điểm nhất định.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Hoạt động của người dùng thúc đẩy giá token trong ngắn hạn và dài hạn. Các chỉ số chính như hoạt động của người dùng và nhà phát triển có một chút phức tạp. Các số liệu thống kê chính dường như đã đạt mức ổn định. Khối lượng giao dịch đã đạt mức cao khoảng 300.000 giao dịch mỗi ngày, trong khi lượng tài khoản đang hoạt động là 20.000 tài khoản mỗi ngày.

Thông báo của Three Arrows Capital khi họ đã huy động được vòng tài trợ 150 triệu USD có thể làm cho số lượng tài khoản hoạt động của người dùng tăng đột biến vào tháng 1, điều này làm sai lệch dữ liệu.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Một điều tích cực hơn là dù bộ dữ liệu còn hạn chế, hoạt động trên các nền tảng xã hội đang tăng đều đặn vào năm 2021.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Một yếu tố khiến khó định lượng nhu cầu đối với token NEAR là NEAR hiện chỉ được liệt kê khá hạn chế trong một số sàn giao dịch. NEAR được niêm yết trên Binance, Upbit, Kucoin, Huobi nhưng chưa được niêm yết trên Kraken, FTX US, BitStamp hay Coinbase. Các đối thủ cạnh tranh chính trong mảng Blockchain Layer-1 là Avalanche, Solana và Cardano đều được niêm yết trên các sàn giao dịch này.

Vấn đề chính đối với việc niêm yết là quy trình của các sàn giao dịch. Ngoài ra còn có rất nhiều công việc kỹ thuật cần xử lý để sàn giao dịch có thể tích hợp một giao thức mới và duy trì dữ liệu định giá chính xác, đặc biệt là khi công nghệ mới và thay đổi nhanh chóng như NEAR. Việc không niêm yết trên các sàn giao dịch lớn đương nhiên sẽ hạn chế số lượng người mua, đặc biệt là người mua ở Hoa Kỳ.

Cuối cùng, như đã nhắc đến trước đó, NEAR đã thay đổi lịch trình unlock token, điều này đã tạo ra áp lực bán liên tục. Từ các tài liệu, thời gian unlock token chính sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2022, 24 tháng sau khi ra mắt mainnet. Những nhà đầu tư có token được unlock sẽ có token với giá dưới 0,5 USD. Ở mức giá hiện tại, họ có thể thu về lợi nhuận gấp 20 lần, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi động lực này đã tạo ra áp lực giảm đối với NEAR.

NEAR là gì? Đây có phải là Tương Lai của Layer-1?

Nguồn: NEAR.org

Tất cả token của Solana đã được unlock vào đầu tháng 1 năm 2021 và phần lớn token Avalanche đã được unlock vào tháng 8 năm 2021. Sau áp lực bán giảm ban đầu, cả hai token đều hoạt động khá tốt. Chúng ta hi vọng NEAR cũng tương tự sau đợt unlock vào tháng 10 năm 2022.

Rủi ro

Tính tập trung của các validator

Tại thời điểm hiện tại, có thể nói NEAR cực kỳ tập trung với chỉ khoảng 100 node xác thực giao dịch. Con số này đã tăng gấp đôi từ cuối năm 2021. Chi phí trở thành validator cũng khá tốn kém, ở mức khoảng 1 triệu USD, chi phí này đã giảm so với mức khoảng 33 triệu USD vào tháng 11 năm 2021.

NEAR đã cam kết giảm chi phí cho validator và tăng tổng số validator lên, có vẻ đến nay họ đang thực hiện. Trong khi NEAR đang đi đúng hướng về chi phí và tính phi tập trung, nó vẫn phụ thuộc nhiều vào việc ủy quyền cho các staker nhỏ hơn.

Dễ dàng tương thích

Hầu hết các hoạt động trong hệ sinh thái NEAR đều trên ứng dụng tương thích với EVM là Aurora. Mặc dù thật tốt khi các nhà phát triển có thể dễ dàng chuyển các ứng dụng sang mạng lưới NEAR, nhưng điều này lại có hai mặt. Thực tế, có 500 triệu USD trong số 600 triệu USD TVL trên hệ sinh thái NEAR nằm trên Aurora. Các nhà phát triển có thể sử dụng các ứng dụng tương thích với EVM của họ và rời đi nếu họ muốn. 

Mô hình khởi động EVM này đem lại nhiều kết quả khác nhau.

Ví dụ: Polygon duy trì gần như gấp đôi số lượng nhà phát triển cross-chain so với số lượng các nhà phát triển chính trên hệ sinh thái Polygon sau hơn 5 năm. Avalanche cũng vậy sau năm năm. Celo đã quản lý để giúp phát triển các dev chính để họ vượt qua số lượng các nhà phát triển cross-chain.

Khả năng tương thích EVM là một sự tương thích tuyệt vời nhưng sau đó các nhà phát triển phải được khuyến khích để xây dựng các ứng dụng gốc trên mạng lưới.

Marketing và Nhận diện thương hiệu

NEAR có vẻ thiếu Marketing và nhận diện thương hiệu. Solana cũng được ra mắt vào thời điểm đó nhưng sự chú ý cũng như sự tăng giá về cơ bản là khác nhau. NEAR đã liên tục phát triển mạnh những nội dung liên quan đến vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là trong loạt whiteboard của họ, nhưng không có mối liên hệ trực tiếp nào với những người không am hiểu kỹ thuật.

Dường như NEAR thiếu đi nhà lãnh đạo khiến mọi người sùng bái mà các blockchain Layer-1 khác có như: Ethereum (Vitalik Buterin), Terra (Do Kwon), Avalanche (Emin Gün Sirer), Solana (Sam BankmanFried) và BNB (CZ). Lý do khác có thể là do NEAR chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn của Hoa Kỳ.

Codebase

NEAR đang cạnh tranh trực tiếp với Solana trên phương diện các nhà phát triển. Có nhiều ngôn ngữ để code trên NEAR nhưng ngôn ngữ chính là Rust (giống với Solana). Nhu cầu đối với các nhà phát triển sử dụng ngôn ngữ Rust là rất cao và sự cạnh tranh của họ rất khốc liệt.

Cả hai giao thức đều được tài trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín, nhưng Solana cao hơn NEAR về giá token, xuất hiện nhiều hơn trên các tiêu đề báo chí và nhìn chung đang thu hút nhiều nhà phát triển hơn.

Cạnh tranh

Không gian Layer-1 rất rộng lớn. NEAR có nhiều tính năng hấp dẫn đối với người dùng, tuy nhiên người dùng mới chỉ đang từ từ tham gia vào hệ sinh thái. NEAR hy vọng các khoản vốn từ các quỹ đầu tư để các nhà phát triển xây dựng hệ sinh thái sẽ tạo động lực phát triển lớn, tuy nhiên cho đến nay sức hút của NEAR vẫn còn hạn chế.

Thiếu sự thử nghiệm

NEAR có các thông số kỹ thuật đáng kinh ngạc, nhưng khi mạng lưới mở rộng đến khi tiếp nhận một lượng lớn các giao dịch, liệu mạng lưới có thể chịu được thông lượng đó không? Chúng ta đã thấy Solana đưa ra tuyên bố về thông lượng rất cao nhưng mạng lưới lại tắc nghẽn khi hoạt động tăng mạnh. Trước khi NEAR có thể được tin cậy, khả năng mở rộng của nó sẽ cần phải được thử nghiệm.

Tổng kết

Nhìn chung, NEAR không có điểm khác biệt chính nào so với các đối thủ cạnh tranh nhưng thay vào đó NEAR cố gắng tiếp nhận những thứ tốt nhất của các Blockchain Layer-1 hiện có, thêm một số cải tiến và thực hiện trên cùng một chuỗi khối.

  1. NEAR có khả năng mở rộng của ETH 2.0 thông qua sharding và sẽ cải tiến lên nhờ tính năng tái phân mảnh linh hoạt (dynamic re-sharding).
  2. NEAR có khả năng tương thích EVM của Avalanche cho các nhà phát triển Web3 cũ nhưng sẽ thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái hơn nữa bằng cách cắt giảm phí của các nhà phát triển.
  3. NEAR có chuỗi ứng dụng cụ thể như Polkadot nhưng với chi phí rẻ hơn.
  4. NEAR có tốc độ nhanh như Solana nhưng giải quyết vấn đề spam trên mạng lưới thông qua các yêu cầu lưu trữ dữ liệu.
  5. NEAR phải đối mặt trực tiếp với vấn đề blockchain nguyên khối.
  6. NEAR như một blockchain có khả năng giải quyết được các vấn đề mà hầu hết các chuỗi đơn khác gặp phải.

Các giải pháp công nghệ thực tế cho các vấn đề với Layer-1 là những giải pháp cần được suy nghĩ tốt nhất trong bất kỳ chuỗi khối nào. Việc triển khai ổn định các phân đoạn mới trước khi chúng thực sự trở nên cần thiết giống như cách tiếp cận có thể mở rộng quy mô mà không có thời gian chết của mạng lưới.

Các phương pháp mới để mở rộng quy mô linh hoạt, phần thưởng dành cho nhà phát triển, sự giới thiệu của người dùng và lưu trữ dữ liệu có thể là những thứ đặt nền tảng trong việc chấp nhận người dùng mới.

Đội ngũ và công nghệ đằng sau NEAR rất chất lượng, nhưng việc thực thi và áp dụng ra thị trường vẫn còn rủi ro. Hiệu ứng mạng lưới trong ngành công nghiệp Crypto là tồn tại và NEAR còn kém hơn so với các Layer-1 chính khác. Tuy nhiên, với xu hướng multi-chain thì NEAR sẽ có một vị trí nhất định.

Với sự đầu tư đến từ các quỹ mạo hiểm, tăng trưởng phát triển, đội ngũ xuất sắc và công nghệ tốt nhất hiện tại, NEAR là cơ hội đầu tư hấp dẫn, bất chấp các khó khăn mà nó đang gặp phải.

Bài viết được Hồng Nhung biên tập từ “The Future of L1s Is NEAR: An Analysis of an Emerging Protocol” bởi tác giả Tom Dunleavy; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.

—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin

#Layer-1
ic-comment-blueBình luận
#