“Chỉ có hai cách để kiếm tiền trong kinh doanh: Một là bán theo gói, hai là tách nhỏ gói.” - Jim Barksdale
Tương tự như vậy, chỉ có hai cách để xây dựng nên những sản phẩm giá trị trong thị trường tiền mã hóa, một là đem đến gói tổng hợp dịch vụ, hai là tách nhỏ từng dịch vụ. Cơ hội lớn cho các protocol hiện nay đang nghiêng về hướng chia nhỏ và phân phối những dịch vụ sẵn có, đó cũng chính là hướng đi của Livepeer - Giải pháp cho Nền tảng Video trong Tương lai.
“Mạch máu” của Internet
Những ông lớn công nghệ hiện tại đang hoạt động theo cách nhóm các sản phẩm dịch vụ theo chiều dọc. Ví dụ, Youtube (Google) và Twitch (Amazon) không chỉ đơn thuần là những bộ máy phân phối nội dung.
Các nền tảng streaming (phát trực tiếp) khổng lồ này chính là một tổ hợp sản phẩm nhóm theo chiều dọc: từ kho lưu trữ dữ liệu cho các video, đến khả năng kiếm tiền cho các nhà sáng tạo nội dung, và cả nơi tập trung hàng loạt những dịch vụ thiết yếu cho các nhà phát triển. Khả năng cung cấp toàn bộ những dịch vụ này một cách liền mạch đã khiến cho các nhà sản xuất nội dung và các nhà phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong nền tảng.
Ngày nay, nội dung video chính là huyết mạch của internet khi Cisco đã dự đoán trong 2022, 82% của toàn bộ traffic trên internet sẽ dưới dạng video.
Sự trỗi dậy của nền tảng streaming - audio, âm nhạc, phim ảnh, nội dung…- đã tiếp tục đẩy mạnh cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng xử lý video. Chuyển mã video (transcoding) là một trong những quy trình quan trọng trên mọi định dạng streaming, điển hình như các buổi trình diễn Fortnite Concerts, game thủ Twitch, nhà sáng tạo podcast trên Youtube, và cả các GenZ TikToker.
Chuyển mã video là quy trình chuyển đổi định dạng của các tệp raw video thành những tệp có thể xem được trên thiết bị và mạng truy cập (2G-5G) của người dùng. Chuyển mã video rất cần thiết cho nền tảng video streaming (động hay tĩnh) và cả thị trường video streaming toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.
MediaKix đã báo cáo rằng ngành công nghiệp streaming ước tính sẽ đạt $124 tỷ tính đến 2025, trong khi Grand View Research dự đoán rằng con số này có thể tăng đến $184 tỷ trong 2027.
Khi thị trường video streaming mở rộng, những cơ sở hạ tầng mới được xây dựng với mạng lưới crypto mang đến những cơ hội hấp dẫn để tăng trưởng quy mô, giảm chi phí, và loại bỏ đi những điểm lỗi tập trung.
Mạng lưới Livepeer
Livepeer về cơ bản là một thị trường trung gian, giữa các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và các nhà phát triển ứng dụng, hay các ứng dụng streaming cần đến dịch vụ xử lý video.
Ngày nay, chi phí để xử lý một video ở khoảng $3 cho một lần stream trong một giờ với phí dịch vụ đám mây từ các nhà cung cấp như Amazon, chi phí này có thể lên đến $4,500/tháng cho một máy chủ đa phương tiện, trong đó phí trước băng thông cho các hệ thống phân phối nội dung lên đến $1,500/tháng.
Với Livepeer, toàn bộ quy trình này (bao gồm chuyển mã, hệ thống máy chủ Livepeer, dịch vụ phân phối nội dung) có khả năng rẻ hơn 10 lần so với các dịch vụ hiện tại trên thị trường cho các đơn vị riêng lẻ.
Điểm mấu chốt đằng sau khả năng cung cấp dịch vụ rẻ hơn của Livepeer chính là dự án này không cần cạnh tranh cùng các nguồn tài nguyên điện toán đám mây như AWS hay các nhà cung cấp chuyển mã khác, và vì thế Livepeer có thể tính phí dựa trên việc sử dụng dịch vụ chuyển mã thay vì phải dựa vào không gian máy chủ.
Livepeer có một số những bên liên quan chính trong mạng lưới như sau:
- Video Miner (Người khai thác video) - Orchestrators (Người điều phối) và Transcoders (Người chuyển mã)
- Orchestrators có nhiệm vụ nhận các video từ các nhà sản xuất và trả về kết quả đã chuyển mã.
- Transcoders có nhiệm vụ thực hiện công việc bên trong hệ thống Livepeer, cung cấp khả năng tính toán để chuyển mã các file video đến cho Orchestrator.
- Delegator (Nhà đại diện) - Những cá nhân sở hữu token LPT và stake lượng token của họ vào những Orchestrator để nhận về một khoản phí và một phần lượng LPT được mint. Các Orchestrator có càng nhiều lượng LPT stake sẽ càng hoạt động hiệu quả hơn trên hệ thống Livepeer.
- Nhà phát triển - những cá nhân mong muốn xây dựng các ứng dụng cần đến tính năng streaming.
Xương sống của Livepeer: Video Miners
Có hai bộ phận chính của video miner trong mạng lưới Livepeer, chính là Transcoder và Orchestrator. Transcoder thực hiện các công việc tính toán, còn Orchestrator đóng vai trò là người điều hành trong mạng lưới.
Video Miners - Nhóm khai thác video: Orchestrator và Transcoder
Cụ thể, Orchestrator điều hành quy trình xử lý các file video và chuyển tiếp chúng về Media Server (máy chủ đa phương tiện), và từ đó chuyển tiếp đến người dùng.
Orchestrator cũng thường hoạt động như một transcoder, nhưng có thể thuê bên ngoài những dịch vụ transcoder khác nếu cần thiết, tương tự như cách các mining pool PoW (Proof of Work) tìm kiếm khả năng hash từ các miner bên ngoài.
Bởi vì các Orchestrator cũng có thể thực hiện vai trò của transcoder, các pool transcoding có thể công khai hoặc riêng tư. Các pool công khai được mở cho tất cả các transcoder trong khi các pool riêng tư chỉ cho phép orchestrator hoặc những transcoder trong whitelist. Mặc dù các pool này có thể hoạt động trên mạng lưới Livepeer, chúng không phải là một phần trong thiết kế incentive của protocol, và vì thế phần thưởng của mỗi pool sẽ khác nhau.
Để có thể điều phối công việc trên mạng lưới Livepeer, các Orchestrator phải stake các token của Livepeer (LPT). Orchestrator sẽ nhận lại phí dịch vụ theo hai nguồn: một là phần thưởng LPT từ lạm phát (khi lạm phát, lượng token mới sẽ được bơm vào và chia lại cho holder như phần thưởng), hai là phí ETH tỷ lệ với LPT đã stake. Các phí này cũng phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ chuyển mã được cung cấp.
Cơ hội trở thành một Orchestrator khá dễ khi hiện tại chỉ cần đạt yêu cầu stake hơn 2 LPT để có thể tham gia. Tuy nhiên, các orchestrator còn đòi hỏi có khả năng chạy nút Livepeer 24/7, khả năng truy cập vào trung tâm dữ liệu của bộ xử lý tác vụ đồ họa GPU (Graphics Processing Unit) với những con chip mã hóa video và băng thông giá cả phải chăng.
Nanopayment
Ngoài ra, Livepeer sử dụng Nanopayment (thanh toán vi mô xác suất) - những lần thanh toán nhỏ cho dịch vụ chuyển mã sẽ được tiến hành theo kế hoạch, nhưng ngẫu nhiên - như một phần thưởng cho Orchestrator giúp đảm bảo tốc độ và chất lượng của mạng lưới ngày càng được nâng cao trong bối cảnh giá gas thay đổi chóng mặt cũng như nhu cầu cho các dịch vụ streaming tăng nhanh.
Với hệ thống thanh toán vi mô của Livepeer, các nhà phát hành (các ứng dụng) sẽ tự động kèm theo một “tấm vé” cho mỗi phần video đã được chuyển mã. Khi các Orchestrator thực hiện công việc, họ có khả năng nhận được những tấm vé có khả năng redeem thành phí thông qua hợp đồng thông minh của Livepeer.
Bởi vì các tấm vé này được phát hành trên cơ sở xác suất, sẽ có một lượng vé nhất định có thể đổi lấy phí. Hệ thống này đảm bảo rằng các Orchestrator có thể tính toán trước được họ sẽ kiếm được bao nhiêu doanh thu trong một khoảng thời gian, trong khi đó vẫn đảm bảo các video của nhà phát hành sẽ được chuyển mã đúng hẹn.
Một lợi thế khác của việc thanh toán xác suất, đó là các phí sẽ ở dạng Wei - một đơn vị cơ sở của Ethereum - và vì vậy có thể định giá được chi phí theo pixel của video, chi tiết hơn so với cách tính dựa vào GB mà ngành công nghiệp xử lý video đang làm ở hiện tại. Việc định giá chi tiết như vậy sẽ chính xác và công bằng hơn khi thực hiện chuyển mã cho các định dạng có độ phân giải cao (ví dụ như video 4k) vì chi phí sẽ được tính cao hơn.
Livepeer Delegators - Nhà đại diện
Bên liên quan cuối cùng của mạng lưới Livepeer chính là những Delegator (nhà đại diện), người nắm giữ vai trò quan trọng và thường xuyên trong các protocol Web3. Delegator có thể stake LPT cho các Orchestrator hiện tại để có thể cùng hưởng chung phần phí với họ.
Orchestrator có thể quyết định loại phí hoặc phần trăm LPT thưởng mà họ mong muốn chia sẻ với Delegator, sau đó Delegator này lại chọn những Orchestrator mà họ mong muốn stake tiếp theo. Orchestrator có thể cạnh tranh về vốn bên ngoài để có thể tăng phần thưởng của họ, vì tỷ trọng stake ảnh hưởng nhiều đến khối lượng công việc chuyển mã mà họ nhận được cũng như phần phí sau đó mà họ có thể thu về từ Livepeer.
Người anh hùng thầm lặng của Livepeer: Livepeer Media Server
Livepeer Media Server (LPSM) là một hệ thống máy chủ đa phương tiện mã nguồn mở, có khả năng nhận các stream đầu vào như live video và audio, từ đó chuyển mã chúng thành các định dạng cần thiết, có thể tối ưu hóa cho nhiều loại thiết bị khác nhau.
Trong khi có rất nhiều giải pháp máy chủ đa phương tiện trên thị trường như Wowza, Ngix, và Red5, không giải pháp nào có mã nguồn mở trong khi giá cả và phí cấp phép lại khá cao. Livepeer Media Server đóng vai trò như một máy chủ mã nguồn mở mà ai cũng có thể dùng, và tối ưu hóa khả năng hoạt động của Livepeer.
Sự kết hợp giữa công nghệ mã nguồn mở cùng mạng lưới gốc được tối ưu hóa cho Livepeer Media Server, tạo ra một phễu dịch vụ cũng như vòng phản hồi tự nhiên, giúp tăng tính ứng dụng của Livepeer Media Server khi mạng lưới này được mở rộng.
Đi tìm sự phù hợp của sản phẩm trong thị trường Web3
Hơn hai năm qua, Livepeer đã thực hiện nhiều cập nhật to lớn cho protocol của mình, bao gồm việc ra mắt “Streamflow” vào đầu năm 2020 đã giới thiệu một số thay đổi của Livepeer.
Việc nâng cấp Streamflow cho phép việc chuyển mã thông qua GPU, tăng từ 25 đến 100 video transcoder, và thêm vào một kiến trúc transcoder mới bên cạnh những kiến trúc hiện có trên Livepeer.
Đáng chú ý, khi cho phép khai thác GPU giúp cho các miner GPU và ASIC hiện tại được tham gia vào hệ thống Livepeer mà không cần thêm bất kì chi phí vốn nào, lại vừa có thể tăng đáng kể độ tin cậy và chi phí phải chăng cho các dịch vụ chuyển mã trên Livepeer.
Với những nâng cấp gần đây, dung lượng tiềm năng của Livepeer hiện tại đã vượt mức 70,000 GPU, hay có thể nói là đủ để mã hóa tất cả những video real-time được stream trên Twitch, Youtube và Facebook cộng lại. Bước quan trọng tiếp theo cần có, chính là mở khóa và khai thác tiềm năng của nguồn tài nguyên này.
Sự kiện DeFi Summer và mức phát triển mạnh mẽ của thị trường đã khiến cho chi phí giao dịch Ethereum không khỏi tăng lên. Vì vậy, cộng đồng Livepeer đã đồng ý hai bản đề xuất cải tiến Livepeer Improvement Proposals (LIP) để cải thiện protocol.
LIP-36 và LIP-52 đều giảm đáng kể chi phí gas của những tính năng quan trọng bao gồm claim thưởng LPT và claim thưởng tự động, cũng như cải thiện khả năng truy cập vào các LPT được stake, giúp tăng lợi ích cho các orchestrator một cách ấn tượng.
Kể từ đầu năm mới, Livepeer đã liên tục xử lý hơn 1 triệu phút video mỗi tháng (tương đương khoảng 2 năm thời lượng), với mức kỉ lục tháng 5 vào khoảng gần 4 triệu phút. Tổng cộng, mạng lưới Livepeer hiện tại đã chuyển mã hơn 17 triệu phút video. Mặc dù con số này không là gì so với khối lượng đăng tải 1 giờ video mỗi giây trên Youtube, đây cũng là một khởi đầu đầy ý nghĩa để chứng minh cho sự phù hợp của sản phẩm trong thị trường.
Mạng lưới Livepeer hiện tại đã chuyển mã hơn 17 triệu phút video
Xu hướng sử dụng của người dùng càng tăng cao với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng video trên Livepeer, như Korkuma.com và Playdj.tv. Gần đây nhất, BUIDL Labs đã xây dựng File.Video, một thí nghiệm mã nguồn mở, kết hợp giữa khả năng chuyển mã của Livepeer cùng với dung lượng lưu trữ của Filecoin, mang đến một protocol Web3 có sức mạnh tổng hợp và lập trình tốt.
Mạng lưới Livepeer được thiết lập trước với năng suất mạng tối đa vào khoảng 100 orchestrator, tạo ra doanh thu dưới dạng token ETH khi cung cấp dịch vụ chuyển mã, bên cạnh phần thưởng LPT lạm phát. Doanh thu của orchestrator (tính theo ETH) đã tăng song song với xu hướng sử dụng mạng lưới Livepeer, và hiện tại có thể mang đến vài nghìn đô một tuần cho dự án.
Hơn $100,000 từ phí trọn đời đã được chia lại cho các video miner, trong đó hầu như đều là doanh thu chỉ trong vài tháng vừa qua. Mặc dù có vẻ như các orchestrator vẫn đang dựa vào phần thưởng LPT lạm phát như lợi nhuận chính, nhưng nếu xu hướng sử dụng ngày càng phát triển, Livepeer sẽ có đủ tin tưởng để tạo ra một mạng lưới mà nơi đó các phí có thể duy trì hoạt động của miner.
Trong 100 thì có 23 orchestrator đã kiếm được hơn $1,000 phí dịch vụ (dưới dạng ETH) trong khi top 5 có thể thu về tới $5,000. Mức doanh thu này sẽ dao động tùy thuộc vào lượng LPT được stake vào orchestrator trong mạng lưới.
Các miner hưởng phí LPT sẽ phải chịu mức lạm phát khác nhau, phụ thuộc vào tỉ lệ người tham gia. Khi tỉ lệ người tham gia vào mạng lưới vượt trên ngưỡng 50% của tổng lượng LPT stake, mức lạm phát sẽ giảm 0.0005% mỗi ngày cho đến khi chạm mức 0%.
Sự phát triển của Livepeer trong tương lai
Để đánh giá về sự phát triển tiềm năng của một dự án, sẽ rất quan trọng để hiểu về nhu cầu hiện tại của thị trường. Sau khi trò chuyện cùng đại diện từ Livepeer, Messari đã có thể xác nhận rằng phần lớn sử dụng của dự án đến từ các ứng dụng sáng tạo nội dung từ người dùng (UGC), điển hình như game, âm nhạc, streaming… tuy nhiên các ứng dụng khác cũng đáng chú ý không kém, bao gồm thể thao, truyền thông, sự kiện và cơ sở hạ tầng (ví dụ như Korkuma).
Các ứng dụng UGC vẫn đang tiếp tục được mở rộng khi mà nền kinh tế người sáng tạo số ngày càng phát triển. Với sự tăng trưởng tất yếu của UGC, nhu cầu về dịch vụ xử lý nội dung liền mạch và tiết kiệm sẽ ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sự kiện kỹ thuật số và thể thao điện tử dù còn non trẻ nhưng rất hứa hẹn, mở ra con đường đầy tiềm năng cho Livepeer để phát triển bản thân thành cơ sở hạ tầng trong cả những ngành công nghiệp tiên tiến này.
Ngoài các dịch vụ chuyển mã video hiện tại, mạng lưới Livepeer còn cung cấp các dịch vụ xử lý video tiềm năng khác với mức giá rẻ hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây truyền thống.
Đội ngũ Livepeer đã tiến hành một số proof-of-concepts (chứng minh tính khả dụng của ý tưởng) và xác định được một số hướng đi đầy hứa hẹn với tiềm năng mở rộng, bao gồm:
- Phân loại nội dung trong thời gian real-time: Thuật toán AI có thể đóng vai trò như một nhà kiểm duyệt nội dung, gắn cờ các nội dung người lớn hoặc vi phạm bản quyền nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn con người.
- Nhận diện đối tượng: Tạo điều kiện cho nhà cung cấp chọn ra các đối tượng trong video stream và highlight các đối tượng đó, khiến chúng trở nên nhấp vào được (clickable) hoặc áp dụng thêm siêu dữ liệu để phục vụ cho thương mại điện tử và chơi game.
- Phát hiện tên bài hát: Việc phát hiện nhạc nền của các định dạng stream có thể giúp các nền tảng chuyên nghiệp quản lý vấn đề bản quyền và cấp phép, tránh các vấn đề với dịch vụ streaming chính thống.
- Video fingerprinting: Livepeer có khả năng lưu trữ lượng lớn các video, mở ra cơ hội siết chặt vấn đề bằng chứng về quyền sở hữu của các định dạng, ngăn chặn deepfake (kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo) và cung cấp bằng chứng cho các định dạng xuất bản gốc. Điều này có thể được kết hợp với các crypto primitive khác, chẳng hạn như gán cho mỗi NFT một mã video fingerprint riêng biệt.
Nhìn chung, sự phát triển dài hạn của video 4k, ultra-HD, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), tất cả sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho nội dung định dạng video. Việc mở rộng mạng 5G cũng sẽ ảnh hưởng đến thói quen chơi game và sử dụng video trực tiếp, đòi hỏi cơ sở hạ tầng video phải mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí hơn bao giờ hết.
Từng bước chậm rãi trước khi bùng nổ mạnh mẽ
Các protocol Web3 đang trở thành giải pháp hiệu quả hơn so với các dịch vụ và nền tảng hiện tại, vì các dự án này đang từng bước tách nhỏ các dịch vụ của mình bằng cách tạo ra những mạng lưới do người dùng sở hữu và vận hành.
Mạng lưới Livepeer đã được hình thành trong nhiều năm và có vẻ như trong quá trình tìm kiếm sự phù hợp của sản phẩm trong thị trường, Livepeer đang dần chứng minh bản thân ở vị thế thống trị.
Hiện tại, Web3 đang ở trong giai đoạn cơ sở hạ tầng - tách nhỏ các dịch vụ đang có - cho đến khi các dịch vụ này trở nên đủ mạnh mẽ để có thể được tổng hợp lại (nhóm lại) thành một nền tảng thống nhất. Nhưng điều đó sẽ dành cho một cuộc thảo luận khác trong tương lai.
Bài viết được Chloe Pham thuộc FXCE crypto biên tập từ “Livepeering Into The Future of Video” của Mason Nystrom, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.